Nhập cây từ Trung Quốc và Nhật, thuê ‘bác sĩ’ về chăm nhưng sau vài năm, khối cây trị giá hàng chục tỷ của ông Toàn (Phú Thọ -) chết sạch.
Tọa lạc tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ -), vườn cây cảnh của ông Phan Văn Toàn, biệt danh “Toàn đô la”, 58 tuổi, hàng ngày khách ra vào không ngớt. Vườn rộng 10 ha, đặt hơn 500 cây, trong đó 36 cây được công nhận là cây di sản.
“Bên cạnh các yếu tố cổ, kỳ, mỹ (cổ thụ, độc đáo kỳ dị và đẹp) của cây thế, cây cảnh, các danh mộc cổ thụ nhà ông Toàn còn thuộc các giống loài có nguồn gene quý hiếm cần phải giữ gìn và phát triển. Đây là khu vườn đầu tiên của Việt Nam được công nhận ‘Vườn cây cảnh nghệ thuật di sản’, có giá trị tới vài triệu đôla”, ông Nguyễn Gia Thọ, Phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, đánh giá.
Theo ông Thọ, đáng chú ý nhất trong khu vườn là 3 cây tùng La hán từ 500 đến hơn 1.000 năm tuổi, 4 cây khế có hình thù kỳ dị, cây lộc vừng 400 tuổi ra hoa quanh năm và cây bằng lăng hơn 300 năm.
Chủ nhân của khu vườn, ông Toàn quan niệm cây cũng sống, cũng ăn uống, cũng có linh hồn, biết chọn người, chọn chủ. “Quý vật tìm quý nhân, người không hợp cứ cố tình mua về thì cây cũng không sống được. Dù bỏ tiền tỷ chơi cây, nhưng không ít lần tôi bị mất trắng vì chọn sai”, ông chia sẻ.
Vào năm 2000 khi mới chơi cây, ông Toàn đến Gia Lai để mua một cây thông đỏ được cho rằng có niên đại hơn 200 năm. Đường xa, xe tải đi không ít lần bục lốp. Ông còn mất thêm một ngày mới đánh được cây lên bởi bộ rễ bám sâu. Nhưng sau 6 tháng, từ một cây xum xuê, cây bắt đầu cháy lá, mục thân, đành phải vứt bỏ.
“Bài học đầu tiên tôi rút ra là, đối với cây cảnh, yêu cầu chăm sóc phù hợp là điều cơ bản, nhưng chọn chậu cũng rất quan trọng để cho cây hấp thụ chất dinh dưỡng, thoát nước tốt và không tụ nhiệt quá nhiều. Không quan tâm đến chậu cây là lý do cây thông đỏ của tôi chết”, ông chia sẻ.
Những năm 2010, người chơi cây Việt Nam có phong trào mua tùng nước ngoài. Ông Toàn tự mình qua Trung Quốc khảo sát và sau đó mua 3 cây tùng về chơi.
“Có nhiều bạn bè ở nước ngoài nhưng tôi chủ quan không hỏi về cây cảnh ở xứ Tàu. Thời gian đầu, cây rất xanh tốt, nổi trội hơn hẳn những cây quý đang có. Hai năm sau, cây bắt đầu có dấu hiệu chết thân, không mọc lá, khiến nhiều đêm tôi mất ngủ. Mỗi lần nhìn nó là xót xa”, ông Toàn tâm sự.
Không bỏ cuộc, năm 2014, ông lại sang Nhật để mua thêm 10 cây thông. Những ngày đầu khi mua về, dáng cây xanh tốt, đẹp mắt, ai đến cũng khen ngợi khiến ông Toàn nở mày, nở mặt. Qua tháng thứ hai, cây có dấu hiệu “xuống sắc”.
“Khi tôi thuê ‘bác sĩ’ cho cây, được vài tháng cây tươi lên hẳn, nhưng tốc độ ra lá lại chậm đi. Cây ốm, tôi cũng buồn theo. Có những ngày mưa gió, tôi cũng đem cái ghế đẩu ra ngồi mong sao cây cỏ hiểu được tâm tư của người mà tươi tốt lại. Nhưng rốt cuộc những cây này cứ sống dặt dẹo rồi dần thành… củi mục. Hai cây sống lâu nhất cũng chỉ được 4 năm”, ông Toàn chia sẻ.
Sau những lần mất tiền, ông mới biết những cây đó đều là cây công nghiệp, có quy trình trồng và chăm sóc rất khắt khe, nhiệt độ đòi hỏi phải ổn định dưới 30 độ C và độ ẩm thấp.
“Cây tùng cổ tự nhiên lá nhỏ, vỏ đỏ, cây công nghiệp lá bằng ngón tay, da xanh mướt. Để nuôi được cây công nghiệp, phải nhập đất từ Nhật về, cách chăm sóc phải nghiên cứu lại từ đầu, nhưng tôi cứ chăm sóc như cây ở xứ mình nên khiến chúng không sống được”, ông Toàn đúc kết.
Ông Nguyễn Xuân Hồng (60 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ -), một người buôn bán cây cảnh trên 30 năm, cho biết: “Nhìn từ bên ngoài, những cây tùng công nghiệp có dáng khá đẹp, người kinh doanh cây cảnh lâu năm như tôi còn khó nhận biết, nên ông Toàn mất oan tiền tỷ không phải là điều khó hiểu”.
Không ít người nhập cây cảnh từ nước ngoài về cũng rơi vào tình cảnh như ông Toàn, trong đó có một đại gia Trà Vinh, từng nổi tiếng với vườn tùng nghìn tỷ cách đây 5 năm, nhưng đến nay đã tàn lụi quá nửa.
Mất tiền, song ông Toàn không tiếc, cho rằng đây là “học phí” khi đam mê thú chơi này.
Trên hành trình sưu tầm cây của ông có sự hậu thuẫn từ vợ, chị Ngô Thị Thu (38 tuổi). Nữ doanh nhân cho biết, chưa bao giờ phàn nàn vì những lần mất tiền lớn của chồng. Có những ngày nghe tin có cây quý ở tận Quảng Bình hay ở tỉnh xa, chị phải đi ngay trong đêm vì sợ người khác lấy mất, nhưng đến nơi có những chậu không ưng ý lại tặc lưỡi đi về.
Vợ chồng ông Toàn ấn tượng nhất lần mua cây của một người đàn ông nghèo 60 tuổi ở Ninh Bình. Nhà dột nát, tài sản lớn nhất của ông ấy có lẽ là chậu cây sanh dáng huyền. Họ đến hỏi mua không dưới 10 lần, nhưng đến thăm thì cho thăm, chứ chủ nhà nhất định không bán. “Sau này vì hoàn cảnh khó khăn, nên ông ấy phải bán cây để có tiền nuôi gia đình. Lúc giao cây mà nước mắt ông ấy rơi không kìm được”, chị Thu kể.
“Nhiều khi chúng tôi nói đùa, bỏ tiền đi mua nhưng vội vàng chỉ sợ người ta đổi ý. Có những cây ông cha của họ để lại nên nhất quyết không bán”, chị Thu chia sẻ.
“Có cây cảnh chúng tôi thấy khỏe người ra, vui thú, có màu xanh, có sự sống. Ngoài ra nó còn có tuổi đời hàng trăm, không khác gì một món đồ cổ. Nhưng món đồ cổ này vẫn còn đang sống và phát triển. Khi mệt mỏi, chỉ cần ra vườn cây là cảm giác khỏe lại ngay”, vợ chồng ông Toàn cho biết.
Chồng yêu cây nhưng vợ là người chăm cây kỹ lưỡng nhất. Trò chuyện với khách, ông Toàn lỡ đè tay lên một cành cây liền bị vợ đánh vào tay nghe bốp, khách phá lên cười…
Đầu tháng 7 năm 2017, Chủ tịch Hiệp hội Bonsai châu Á Thái Bình Dương, ông Chen Cang Xing, cùng đoàn công tác, khi tới đây thăm đã nhận xét: “Vườn của ông Toàn mang đặc trưng của cây cảnh nghệ thuật Việt Nam với những tác phẩm làm phong phú cho nền bonsai Quốc tế”.
Ông Nguyễn Văn Phiến (63 tuổi, chủ một nhà vườn lớn ở Vĩnh Phúc) đánh giá: “Vườn cây của Toàn có giá trị lớn. Một cây di sản của ông Toàn có giá trên dưới 10 tỷ, nếu ông Toàn bán thì tôi đã mua lâu rồi”.
Trọng Nghĩa