Phú Thọ –Bé trai chào đời ở tuần thai 29, nặng 600 g, tím tái, phản xạ yếu, chân nhỏ bằng ngón tay út người lớn, được các bác sĩ nuôi sống sau 40 ngày.
Ngày 18/5, bác sĩ Trần Thị Cườm, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, cho biết bé trai được đặt nội khí quản và chuyển sang Đơn nguyên Sơ sinh điều trị.
Theo bác sĩ Cườm, trẻ sinh cực non và nhẹ cân (dưới 1 kg) tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ như ngạt, suy hô hấp, xuất huyết não và phổi, hoại tử ruột, nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa, tan máu vàng da. Ngoài ra, em bé chỉ nặng 0,6 kg, chân nhỏ bằng ngón tay út của người lớn nên việc nuôi tĩnh mạch, lấy ven vô cùng khó khăn.
Sau khi hội chẩn với Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Nhi trung ương, bác sĩ áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, cho trẻ nằm lồng ấp, thở máy qua nội khí quản, bơm Surfactant (thuốc có tác dụng trưởng thành phổi). Trẻ được nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn kết hợp kháng sinh, đồng thời theo dõi các chỉ số sinh tồn. Ngoài ra, ánh sáng, tiếng ồn, nhiễm khuẩn được kiểm soát nghiêm ngặt.
“Thời gian đầu vô cùng khó khăn, kíp túc trực để theo dõi các chỉ số sinh tồn, may mắn sức khỏe của con được cải thiện mỗi ngày”, bác sĩ nói.
Sau 40 ngày nuôi dưỡng, trẻ tăng lên 1,2 kg, bú tốt, tiếp tục theo dõi.
Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân dưới một kg và dưới 28 tuần thai ngày càng gia tăng. Em bé nhẹ cân nhất được nuôi sống thành công nặng 0,4 kg, ở Yên Thành, Nghệ An, chào đời khi mới 27 tuần thai.
Đối với trẻ sinh non, tất cả cơ quan gan, thận, não, ruột đều non yếu. Trẻ có thể bị suy hô hấp, tử vong hoặc di chứng tàn tật suốt đời như bại não, tàn tật, giảm vận động, tăng động, bệnh lý võng mạc, nhiễm trùng, suy dinh dưỡng.
Để hạn chế nguy cơ sinh non, bác sĩ khuyến cáo thai phụ cần thực hiện thăm khám, quản lý thai nghén tại các cơ sở y tế uy tín, có đầy đủ các trang thiết bị đồng bộ, hiện đại. Ngoài ra, chị em cũng cần chăm sóc sức khỏe tốt khi mang thai với chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý để giảm nguy cơ.
Minh An