Phú Thọ –Nam thanh niên 21 tuổi, máu O Rh(-), đang hồi phục sức khỏe, các chỉ số sinh tồn ổn định sau hai ngày được bác sĩ mạo hiểm truyền máu O Rh(+) cấp cứu.
Sáng 15/6, đại diện Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết bệnh nhân đã được rút máy thở, sức khỏe ổn định, tỉnh táo, có thể làm theo hiệu lệnh của bác sĩ.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Phó giám đốc bệnh viện, ngay khi truyền máu xong, trong quá trình theo dõi các bác sĩ đã có thể đánh giá được mức độ đáp ứng của bệnh nhân. “Rất may mắn đây là lần truyền máu O dương đầu tiên của người bệnh và đã có tiến triển tốt”, bác sĩ Ngọc nói.
Hai ngày trước, trong bối cảnh không có máu O Rh(-) cực hiếm, gọi là máu âm, để truyền cho bệnh nhân đang nguy kịch do chấn thương nặng sau tai nạn giao thông, các bác sĩ đã mạo hiểm truyền 4 đơn vị máu O Rh(+), gọi là máu dương.
Đây là quyết định mang tính sinh tử cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ. Về nguyên tắc, máu nhóm âm có thể truyền cho tất cả người mang máu dương, nhưng người máu âm chỉ nhận được máu nhóm âm. Nếu truyền máu nhóm dương, gọi là “truyền máu trái yếu tố”, cơ thể người nhận máu sinh kháng thể chống lại kháng nguyên D. Nếu tiếp tục truyền máu dương lần nữa, nguy cơ xảy ra xung đột các nhóm máu trong cơ thể, bệnh nhân sẽ bị sốc và tử vong.
Bệnh nhân này nhập viện không có người thân đi cùng, hôn mê, sốc mất máu, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được truyền máu gấp. Bác sĩ Ngọc đưa ra quyết định “khó khăn nhất trong cuộc đời” là truyền máu dương cho bệnh nhân.
May mắn, hậu phẫu, bệnh nhân không xuất hiện dấu hiệu bất thường, đến nay các chỉ số sinh tồn hoàn toàn ổn định.
Bác sĩ cũng ghi nhận may mắn này chỉ có một lần, bệnh nhân về sau chỉ có thể truyền máu cùng nhóm âm nếu gặp tình huống tương tự.
Tại Việt Nam, 99,92% người mang nhóm máu dương, trong khi số người mang nhóm máu âm chỉ khoảng 0,08%. Do đó, những người máu nhóm âm được bác sĩ khuyên tham gia các nhóm hiến máu nhân đạo để khi cần sẽ hiến máu cứu người hoặc được hỗ trợ truyền máu.
Thúy Quỳnh