Ở nơi cùng trời cuối đất Tổ có một bản nhỏ của bà con người Dao đang sở hữu giống gà quý 9 cựa. Tương truyền đây là giống gà mà vị thần núi Sơn Tinh đã cất công lên tận đất này mang về cầu hôn nàng Mỵ Nương. Giống gà này được người dân bản Cỏi, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ xưng tôn là “gà chúa” hoặc “chúa gà”…
Bản Cỏi nằm giữa vùng lõi của Vườn quốc gia Xuân Sơn, giờ không còn heo hút như những năm trước đây nữa. Con đường bê tông xuyên rừng, uốn lượn như dải lụa mềm nối bản Cỏi với trung tâm xã. Trong cái rét tê tái cuối năm, ông Đặng Vĩnh Phúc ngồi co ro bên bếp lửa. Ở nơi góc núi xó rừng này, mùa đông luôn khắc nghiệt, chẳng ai rời được bếp lửa trong những ngày mưa đông rét buốt. Vốn là người hiếu khách, trước lúc vào chuyện, ông Phúc đã hạ lệnh cho con cháu “tiễn” một chú gà trống 8 cựa để khoản đãi khách.
“Muốn hiểu vì sao gà 9 cựa đắt khách và quý đến nhường nào thì phải một lần được thưởng thức thịt của chúng mới cảm nhận hết được” – ông Phúc hồ hởi.
“Gà chúa”
Tan tuần trà cũng là lúc đứa cháu của ông Phúc bưng lên mâm thịt gà bốc khói nghi ngút. Thịt gà chặt miếng vuông vức tựa như những chiếc bánh đậu xanh của đất Hải Dương. Lá chanh thái chỉ rắc lên mâm thịt tựa như làn sương mỏng manh nơi cuối rừng. Đôi chân của chú gà trống 2 năm tuổi được để trên cùng.
Đôi chân gà cứng, mỗi chân có 4 cái cựa nhọn hoắt như răng lợn lòi vẫn giữ nguyên cái dáng vẻ oai phong. Chẳng thế mà bà con người Dao nơi đây thường gọi giống gà này là “gà chúa” hoặc “chúa gà”. Mùi thịt gà thơm phức hòa quyện với hương rừng thoang thoảng đưa khiến mấy vị lữ khách chẳng thể kiểm soát được tuyến nước bọt, đành nuốt khan chờ chủ nhà làm lễ.
Anh Din chăm sóc đàn gà 9 cựa. |
Người miền ngược thịt gà và bày biện rất kiểu cách, ở góc mâm có mấy cái đĩa lá vả nhỏ bằng cái chén con đựng muối dổi. Giống dổi thơm ngon được ông Phúc cất công gửi mua tận vùng Lạc Sơn của xứ Mường từ đầu tháng 9.
Sau cái lễ tạ ơn thần rừng, thần đất đã ban cho thức ăn, ban cho sự sống này, ông Phúc mời khách nhập mâm. Người Dao hiếu khách nên gà không bày ra đĩa như người dưới xuôi mà bày cả vào một mâm, mang đặc tính cộng đồng. Mọi người cùng ngồi xung quanh mâm cơm, dùng tay lấy thức ăn, không phân biệt sang hèn. Riêng đôi chân quý, ông Phúc nâng niu như vật báu và để chúng sang một bên mâm. Xuýt xoa trong cái lạnh của miền sơn cước, cầm miếng thịt gà thơm phức sau bao mong đợi, các cơ quan giác quan của tôi như được phen “tổng động viên”. Vừa đưa miếng thịt vào miệng mà đã cảm nhận được cái vị ngọt mềm, thơm của thịt gà, thoang thoảng mùi hạt dổi.
Bữa cơm giữa rừng còn có “pho sử sống” của người Dao là già làng Bàn Văn Tình như tăng thêm phần thi vị. Thứ rượu ngô thơm nứt chai được lên men bằng gần trăm loại lá rừng lần đầu tiên tôi được thưởng thức. Từng giọt rượu như ngấm sâu vào mao mạch trong cơ thể. Khẽ đặt chén rượu bên mâm, già Tình mở lời, rằng “người Dao sống nhờ rừng và thác cũng ở rừng”.
Già Tình kể, cách đây khoảng 20 năm, bà con thấy một con gà rừng khá lạ. Lông nó màu trắng toát, tiếng gáy gần giống gà nhà và bay như chim. Đặc biệt, chân giống gà này có 9 ngón, chen chúc trên khẩu chân ngắn và rất nhỏ. Sau đó con gà rừng đạp mái với cánh gà nhà sau vườn và gà nhà ấp trứng nở ra giống gà có 8 cựa, tuy chúng ăn khỏe nhưng lớn rất chậm, con nào con nấy chỉ đến khoảng hơn 1kg là dừng lại.
Nói về giống gà quý này, già Tình là chuyên gia số một. Già bảo, gà 9 cựa chân to, chắc và mọc đều 3, 4 cựa mỗi bên. Mỗi cựa dài, ngắn khác nhau, mọc nối theo hàng. Đặc biệt, cựa trên cùng hoàn toàn chỉ là sừng, cong vút như lưỡi câu liêm hay nanh lợn rừng. Gà có đầy đủ 9 cựa thì khá hiếm và rất quý, chủ yếu là gà 7-8 cựa. Gà 9 cựa từ khi còn nhỏ đã có thể nhận thấy rõ các cựa ở khuỷu chân, mỗi bên có thể mọc từ 3-4 cựa tùy vào thời gian gà trưởng thành.
Trong cùng một lứa gà, không phải lúc nào cũng có thể nhân được giống gà 9 cựa, có con chỉ có 7 hoặc 8 cựa, có con không có cựa nào. Gà nhiều cựa có 2 dòng, mỗi chân có 3 cựa hình tam giác gọi là lục đinh, còn mỗi chân có 5 cựa nhưng 1 cựa lép chính là giống 9 cựa. Loại này cựa hình tròn chứ không phải tam giác. Gà giống 9 cựa đất thủy tổ là 1 con gà chọi chính cống với đặc điểm hiếu chiến và hung dữ. Giống gà này có khả năng kháng bệnh rất tốt, chúng cũng rất khôn, có thể trông nhà thay… chó. Gà 9 cựa thông minh tới mức có thể trông nhà khi chủ đi vắng, chúng cũng chỉ ăn ngô, ăn thóc như giống gà khác.
Vẫn còn là điều bí ẩn
Được thưởng thức món gà quý trong một chiều đông nơi sơn cước quả là thú vị và thi vị. Và được nghe những lời tâm sự rất chân thành của các vị chức sắc ở bản Cỏi cũng đã mở mang cho tôi nhiều suy ngẫm. Mới hay, để nuôi được một chú “gà chúa” là cả một hành trình dài. Nhân được giống gà quý, nhưng trong mỗi gia đình người Dao nơi đây cũng chỉ nuôi vài con, chủ yếu giải quyết nguồn thức ăn của gia đình.
Trong những ngày lễ trọng như lập tỉnh, cấp sắc, cúng bản… bà con mới mổ gà 9 cựa. Mấy năm gần đây, khi đường sá mở đến Xuân Sơn, gà 9 cựa mới được người miền xuôi biết đến. Từ đây việc trao đổi hàng hóa diễn ra thuận lợi hơn, người dân cũng bắt đầu có tư duy sản xuất hàng hóa.
Sau mỗi năm, gà 9 cựa lại được giá hơn. Năm nay, giá gà lên 400.000-500.000 đồng/kg mà bà con cũng không có để bán. Cái khó là việc nhân giống gà 9 cựa rất khó và kén người nuôi. Do vậy, sau bao năm, số lượng gà 9 cựa ở bản Cỏi không tăng là bao.
Theo bà Hà Thị Hiền – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, gà 9 cựa được nuôi ở cả 4 xóm. Toàn xã cũng chỉ có tầm 2.000 con. Trong đó, lượng gà trống quý có từ 6-8 cựa luôn bị các đại gia ở khắp các nơi về săn tìm.
Đặc biệt là dịp tết, gà 9 cựa luôn “cháy hàng”. Giờ đây, chỉ những hộ có gia trại ở sâu trong rừng mới nuôi được nhiều gà 9 cựa. Dường như giống gà này không sinh trưởng, phát triển tốt ở những chỗ đông người. Chẳng thế mà có nhiều đại gia ở Phú Thọ, cất công lên đây gom vài trăm con gà giống về nuôi. Những tưởng sau 1 năm chăm bẵm có thể hốt bạc, nhưng cuối cùng vẫn phải “lắc đầu”, gà 9 cựa rất khó nuôi và không thể nhân giống ở miền xuôi.
Theo lời giới thiệu của bà Hiền, chúng tôi tìm đến trang trại của anh Hà Văn Din – một tỷ phú trẻ nơi miền sơn cước. Anh Din có cả trăm trâu, bò và đàn gà 9 cựa lớn nhất xã. Men theo lối mòn xuyên rừng khoảng hơn cây số, chúng tôi mới vào tới khu nuôi gà 9 cựa của anh Din.
Giống gà 9 cựa này rất khôn, vừa nom thấy bóng chủ, những chú gà trống màu ngũ sắc bay tung tóe như chim rồi sà xuống gần chỗ anh Din đứng. Anh Din tẽ ngô cho chúng ăn và tự hào nói: “Mấy chục con trống đã có khách đặt hết cả rồi. Giá bán tại vườn là 350.000-400.000 đồng/kg. Năm nào khách cũng đặt tiền mua gà trước tết 3 tháng. Chỉ có khách quen tôi mới bán gà, chứ người mới đến cứ phải xếp hàng mà không sao mua nổi gà 9 cựa”- anh Din chia sẻ.
Năm nào, anh Din cũng thu được vài chục triệu đồng nhờ bán gà. Đàn gà này được anh gây dựng hơn chục năm. Giờ số lượng của chúng lên đến hơn 200 con. Theo anh Din, giống gà 9 cựa có mào đỏ tươi như máu, đuôi cong vút tựa cầu vồng và rất mảnh. Lý giải về việc đám gà 9 cựa bay như gà rừng, anh Din không giấu giếm: Gà 9 cựa khi đủ lông đủ cánh sẽ có khả năng bay như chim. Chúng có đôi chân ngắn và sải cánh rất rộng, gà trưởng thành có thân hình rắn chắc với 5 màu ngũ hành- đỏ son của mào, vàng rơm của chân, đen trắng xen xanh cánh chả của lông.
Khó gia tăng số lượng Hiện giống gà 9 cựa được Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Sơn nuôi bảo tồn nguồn gen quý. Việc gia tăng gà giống vẫn còn là bài toán nan giải. Giống gà này đẻ trên 10 quả trứng, nhưng khi ấp chỉ được 3-4 con, có lứa không đạt con nào. Hơn nữa, không phải con gà nào ra đời cũng có nhiều cựa, có con chỉ đạt 5-6 cựa. Con gà nào đạt 9 cựa gọi là “gà chúa” và được coi là hàng hiếm ở Xuân Sơn. Do vậy, việc vận động các hộ người Dao, người Mường nơi đây gia tăng chăn nuôi vẫn là giải pháp tốt nhất để bảo tồn giống gà quý này. Ông Bàn Xuân Lâm – Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn khẳng định: “Quả là giống gà này rất khó nuôi quy mô lớn. Bản thân tôi đã nhiều lần định mở rộng quy mô, tưởng sẽ hốt bạc nhờ gà 9 cựa, nhưng kế hoạch không thành. Giống gà này nuôi nhốt là tự chết dần chết mòn”. |
Theo Dân Việt