Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, bệnh nhân được lấy dịch ổ áp xe ở vú để nuôi cấy vi khuẩn, phát hiện có vi khuẩn Whitmore. Sau vài ngày điều trị, tình trạng bệnh không tiến triển, gia đình đã xin chuyển người bệnh đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ -.
Sau khi chuyển viện, người bệnh được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng, áp xe cơ do vi khuẩn Whitmore. Các bác sĩ cấy đờm, cấy máu, cấy dịch ổ áp xe tại tuyến vú và cho người bệnh làm các xét nghiệm cần thiết, điều trị kháng sinh liều cao.
Sau một tuần theo dõi và điều trị, ngày 9/10 người bệnh đã cắt sốt, các triệu chứng nhiễm trùng giảm nhiều. Ba tuần điều trị tiếp theo, các ổ áp xe đã biến mất, xét nghiệm đã trở về giới hạn bình thường.
Whitmore còn gọi bệnh Melioidosis, là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Vi khuẩn gây bệnh sống trong đất. Đường lây nhiễm chính là các vết trầy xước trên da tiếp xúc đất hoặc nước có vi khuẩn, hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn.
Bệnh nhân Whitmore biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, không rõ ràng. Người bệnh thường có tổn thương đa cơ quan như viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tản mạn, nhiễm khuẩn khu trú như áp xe cơ, áp xe phần mềm, áp xe gan,viêm hạch, viêm xương… Thời gian ủ bệnh từ một đến 21 ngày, trung bình 9 ngày. Các triệu chứng thường xuất hiện hai đến bốn tuần sau khi tiếp xúc vi khuẩn.
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, hãy sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, suy giảm miễn dịch… cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh, cần vào viện để khám, điều trị kịp thời.
Trong 3-4 năm trở lại đây, số ca bệnh có xu hướng tăng từ tháng 7 tới cuối năm, trùng với mùa mưa. Tháng trước, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang ghi nhận liên tiếp 4 người mắc Whitmore, trong đó có hai ca nặng.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh này. Bác sĩ Hà Thế Linh – Khoa Cấp cứu khuyến cáo người dân nên chủ động chống bệnh Whitmore bằng cách tránh tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc nước ngoài môi trường. Người dân làm việc tiếp xúc với đất và nước ô nhiễm trong môi trường phải mang thiết bị bảo hộ như găng tay, ủng.
Trong trường hợp bị thương có nhiễm đất hoặc nước ngoài môi trường, hãy ngay lập tức rửa vết thương bằng xà phòng và nước sạch. Che vết thương hở và tránh tiếp xúc với đất hoặc nước cho tới khi lành hẳn. Không được thoa thảo mộc hay các chất khác lên vết thương. Đảm bảo vệ sinh, ăn uống sạch sẽ. Không hút thuốc lá, uống rượu, bia để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Thùy An