Phú Thọ –Nghệ sĩ Bùi Công Duy – con rể nhạc sĩ Phú Quang – kéo violin bài “Em ơi, Hà Nội phố” bên mộ ông, chiều 13/12.
Trên nền violin của Bùi Công Duy, Đức Tuấn, Tấn Minh hòa giọng ca khúc quen thuộc của cố nhạc sĩ, khiến vợ và hai con gái ông rưng rưng. Sinh thời, Phú Quang thân thiết với con rể, nói xem anh như con ruột. Sau khi anh kết hôn với con gái ông – nghệ sĩ piano Trinh Hương, hai người giống bạn bè, thoải mái bàn luận từ âm nhạc đến bóng đá. Khi hai con học tập, làm việc ở Nga, ông là người khuyên họ về quê hương cống hiến. Nhạc sĩ từng nói cảm kích vì Bùi Công Duy là nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển nhưng vẫn cùng vợ biểu diễn nhạc nhẹ trong các đêm nhạc của ông.
Phú Quang ra đi để lại khoảng trống lớn trong lòng các con. Nghệ sĩ Trinh Hương – con gái cả nhạc sĩ – nói chị chông chênh vì cảm thấy ông vẫn ở đâu đó gần bên gia đình. Khi còn sống, ông thân thiết với vợ chồng chị. Trong hồi ký Chuyện bình thường và những mảnh hồi ức chợt hiện, ông kể ngày chị còn bé, sức khỏe yếu, không phù hợp thời tiết lạnh giá ở mùa đông miền Bắc. Vì vậy, năm 1985, ông quyết định đưa gia đình vào Nam lập nghiệp. Với chị, bố tình cảm, thương yêu con cháu nhưng ít thể hiện, kiệm lời.
Sau tang lễ của bố, con gái thứ của ông – Giáng Hương – viết trên trang cá nhân: “‘Với chúng con, bố vẫn luôn cạnh bên, chỉ là thiếu đi những cuộc gọi: ‘Giáng Hương à! Cà phê nhé, dẫn các cháu ra nhé’, ‘Gọi Tin (biệt danh con trai út của ông) đi! Bố gọi em nó không được. Nhanh nhé’. Và giờ không còn ông để thằng cháu đòi ông chiều nữa”.
Không thể trực tiếp đến tiễn biệt nhạc sĩ, nhiều giọng ca thân thiết với ông thắp nén tâm hương, tưởng nhớ người con tài hoa của Hà Nội. Từ Pháp, Hồng Nhung thu âm bài Tình khúc 24 – kỷ niệm đầu tiên của chị với âm nhạc Phú Quang. Ca sĩ kể khi ấy chị mới 22 tuổi, được nhạc sĩ chở trên xe máy Honda đến phòng thu Kim Lợi (TP HCM), ghi âm ca khúc phổ thơ Dương Tường. Ca khúc không có từ nào nhắc về Hà Nội, nhưng khán giả đều ngầm hiểu mối tình của nhân vật trữ tình diễn ra ở mảnh đất này qua câu hát: “Mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm. Cơn mơ. Chợt hiện chợt tan”.
Sau tang lễ ông, ca sĩ Ngọc Anh viết trên trang cá nhân: “Vậy là chú đã ra đi thật rồi, ra đi mãi mãi. Từ giờ, mỗi khi tôi về Hà Nội hát, sẽ không còn có chú đệm đàn”. Ca sĩ trích lại lời cảm nhận chị viết về âm nhạc của ông trong album đầu tay của chị – Gửi một tình yêu: “Những lời thơ ngọt thấm vào tim, những giai điệu tình thật tình. Tôi như có trong đó, hòa vào nó, sống để yêu thương, để nỗi khát khao của người đàn bà càng rực cháy và tìm đến sự hoàn thiện. Tôi gửi một tình yêu này tới những người đang sống dù bận rộn mà tìm kiếm chút yêu thương mong cuộc đời thêm thi vị”.
Nhạc sĩ Phú Quang qua đời hôm 8/12 sau gần hai năm nằm viện, điều trị biến chứng bệnh tiểu đường. Trước khi nhập viện, dù sức khỏe không tốt, ông vẫn miệt mài làm việc. Nhạc sĩ đôi lúc đãng trí những việc thường nhật, nhưng nhớ như in từng câu chuyện âm nhạc. Ông dự định ra thêm một cuốn sách mới, ghi chép những câu chuyện đáng nhớ trong cuộc sống, tương tự cuốn Chuyện bình thường và những mảnh hồi ức chợt hiện, nhưng chưa kịp hoàn thành.
Ông quê gốc Hà Nội, sinh năm 1949 ở huyện Cẩm Khê, Phú Thọ -. Trong kho tàng hơn 600 bài hát của ông, đa số sáng tác viết về Hà Nội. Nhiều bài thơ được ông phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng như Em ơi, Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Một dại khờ, một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo)… Ngoài ra, ông có series Chuyện bình thường, lấy cảm hứng từ một người yêu cũ.
Nhạc sĩ từng cho biết chỉ viết nhạc khi trái tim thực sự rung động. Tác phẩm của ông giàu cảm xúc, cơ sở nhạc lý vững chắc. Ông thần tượng các “Ông hoàng nhạc cổ điển” như Chopin, Mozart, Tchaikovsky… Trong nước, ông ngưỡng mộ nhạc sĩ Hoàng Vân.
Hà Thu