Tàu hút cát khiến đất nông nghiệp tụt xuống sông, hàng chục người dựng lán phản đối trước cổng trụ sở UBND xã Đông Khê (Phú Thọ -).
Sáng 4/4, hơn 100 người dân tập trung trước cổng trụ sở UBND xã Đông Khê (Đoan Hùng, Phú Thọ -) để phản đối tình trạng khai thác cát khiến nhiều diện tích đất hoa màu bị cuốn xuống dòng sông Chảy.
Người dân dựng lán rộng hơn 20 m2 bằng tre trước trụ sở UBND xã từ hai tuần trước, hàng ngày thay phiên nhau túc trực bày tỏ bức xúc. Chiếu rải ra mặt đường làm nơi ăn cơm, bên cạnh là khu bếp đủ phục vụ cho hơn 20 người.
Có hơn 1.000 m2 đất trồng ngô bị trôi xuống sông Chảy, bà Vương Thị Hiền yêu cầu chính quyền dừng ngay tàu khai thác cát. “Đất có sổ đỏ, hàng năm phải đóng thuế, nhưng giờ mất hết. Chính quyền cần thẩm tra lại diện tích đất đã mất, bồi thường hợp lý theo giá của nhà nước”, bà Hiền nói.
Người dân cho biết xã Đông Khê có ba tàu khai thác cát sỏi hoạt động ngày đêm được hơn hai năm. Hàng trăm hộ dân bị mất đất do khai thác cát làm sạt lở bờ sông, nhà nào ít thì hơn 500 m2, nhà nhiều gần 2.000 m2.
Người dân nhiều lần mang đơn đến cơ quan chức năng tìm sự giúp đỡ. “Lần nào đi cũng chỉ được vài ngày họ dừng khai thác rồi lại đâu vào đấy. Nếu như có công an thì họ khai thác đêm, không có thì hút cả ban ngày”, anh Thế Sự nói.
Sáng 4/4, ông Hoàng Công Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ – đã có buổi đối thoại với người dân xã Đông Khê. Gian phòng hội trường xã chật kín, nhiều người dân đứng bên ngoài cửa sổ theo dõi.
Sau khi nghe người dân trình bày bức xúc, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ – nhận lỗi do chỉ đạo xử lý khiếu nại chưa kịp thời. “Đây là trách nhiệm của cơ sở từ xã, huyện đến các ngành. Riêng chính quyền không niêm yết công khai giấy phép khai thác cát để bà con nắm được sản lượng ra sao”, ông Thủy nói.
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ – cho biết địa bàn hiện có hai doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, trong đó một đơn vị thuộc thẩm quyền của tỉnh Yên Bái. Chính quyền hai tỉnh thống nhất dừng hoạt động của hai doanh nghiệp cho đến hết tháng 7.
Tỉnh Phú Thọ – sẽ lập đoàn thanh tra toàn bộ quá trình khai thác của doanh nghiệp trên địa bàn từ chỉ giới, độ sâu, phương tiện, thời gian khai thác. Nếu không đúng với hợp đồng đã ký sẽ xử phạt theo đúng quy định.
“Tháng 7 cũng là thời điểm hết hợp đồng, chúng tôi sẽ xem xét để không gia hạn thêm nữa”, ông Thủy kết thúc buổi đối thoại và nhận được tràng vỗ tay của người dân.
Sông Chảy qua xã Đông Khê dài hơn một km, cả hai bên bờ xuất hiện hàng chục điểm sạt lở tạo thành vách dựng đứng cao khoảng 10 m, nhiều đoạn bị sạt mất hơn 150 m so với thời điểm ban đầu.
Dọc tuyến sông Chảy dài hơn 17 km, chạy qua nhiều xã cũng ghi nhận tình trạng sạt lở hai bên bờ.
Gia Chính – Nhật Minh