CLIP: Mô hình trồng dứa mật trên đất dốc của chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Phú Khê (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ). Video: Mạnh Thuần
Tiên phong trồng dứa mật trên đất đồi dốc
Những ngày này, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng (khu Đồng Mười, xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đang hối hả thu hoạch dứa mật với niềm vui hân hoan về một vụ mùa bội thu. Những quả dứa mật chín vàng, căng mọng mắt, thơm lừng được chị Hồng nâng niu, thu hái cẩn thận.
Dẫn chúng tôi tham quan “cánh đồng” dứa mật, chị Hồng hồ hởi chia sẻ, gia đình chị là gia đình tiên phong đưa giống cây dứa mật về trồng trên diện tích lớn đất đồi dốc ở xã Phú Khê.
“Đầu năm 2021, qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết và đặc biệt rất ấn tượng với mô hình trồng cây dứa mật trên vùng đất đồi núi. Nhiều hôm trằn trọc, lẩm nhẩm tính toán, tôi suy nghĩ, cùng kiểu địa hình đất đồi núi, bà con trồng dứa quy mô rộng hàng hecta, cây nào cây nấy xanh tốt, khỏe, cho quả rất to, bán lại rất dễ. Thế là tôi bàn bạc với gia đình, gom tất cả vốn liếng, quyết tâm đi vào tận Gia Lai để tìm mua 5 vạn chồi giống dứa mật, đem về trồng trên diện tích 1ha vườn đồi của nhà” – chị Hồng nói.
Từ ngày trồng dứa mật, gia đình chị vừa làm vừa học từ cách chọn giống, kỹ thuật trồng, đến chăm sóc, bảo vệ.
Chỉ sau 18 tháng trồng, cây dứa mật đã bắt đầu cho thu hoạch quả. Những quả dứa to, căng mọng, quả nào quả nấy đều chằn chặn, thơm lừng cả một vùng đồi núi. Những quả dứa khi thu hoạch đều nặng 1,5-2kg/quả, mỏng vỏ, lõi nhỏ, mọng nước, khi ăn vị ngọt mát nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
“Trước đây, gia đình tôi chỉ biết trồng cây mía, ngô, sắn…, vất vả lắm nhưng thu nhập không đáng là bao. Còn đối với dứa mật, tuy gia đình mới thu hoạch vụ đầu tiên vào năm 2022 nhưng đã thu lãi đậm, được hơn 100 triệu đồng” – chị Hồng phấn khởi kể.
Theo chị Hồng, dứa mật là loại cây trồng không mất nhiều thời gian chăm sóc, ít sâu bệnh, lại cho năng suất cao. Thành công từ vụ dứa mật đầu tiên nên gia đình chị đã thuê thêm đất của các hộ dân xung quanh để trồng dứa, nâng tổng diện tích trồng dứa mật của gia đình lên gần 2ha.
Thu nhập tăng, trở thành hộ sản xuất giỏi từ trồng dứa mật
Chị Hồng chia sẻ, quả dứa mật chín được pha chế thành nhiều loại đồ uống, các cơ sở kinh doanh trong vùng rất ưa chuộng. Do đó, dứa mật chín đến đâu được thương lái thu mua hết đến đấy. Gia đình chị không mất công đi bán lẻ, nhất là không phải lo lắng chuyện được mùa, mất giá.
“Trong khi dứa truyền thống chỉ bán được với giá 5.000 – 10.000 đồng/quả, thì dứa mật đang được bán ra thị trường với giá 15.000 đồng/kg. Với mỗi quả dứa nặng nặng khoảng 2kg, tương đương với cho thu 30.000 đồng/quả” – chị Hồng nói.
Cũng theo chị Hồng, cây dứa mật ưa đất đồi dốc, sau khi trồng chẳng mấy chốc đã bén rễ, phát triển khỏe, nhanh. Điều đặc biệt, người trồng không tốn chi phí giống cây mỗi năm, bởi cây dứa mật trồng 1 lần nhưng cho thu hoạch kéo dài trong 5 năm. Sau khi thu hoạch lứa đầu tiên, các lứa sau cứ 12 tháng là cho thu hoạch 1 đợt tiếp.
“Cây dứa mật chịu hạn tốt, chỉ bón phân theo chu kỳ, rất ít phải dùng đến thuốc trừ sâu. So với cây trồng như mía, sắn, ngô, lạc, chi phí đầu tư để trồng dứa mật ít hơn hẳn nhưng lợi nhuận kinh tế lại cao hơn rõ rệt.
Đến nay, diện tích trồng dứa mật của gia đình tôi đã cho quả gần 100%. Sau khi trừ chi phí, thu lãi về hơn 300 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với một số loại cây trồng khác trên cùng một đơn vị diện tích. Như vậy với diện tích gần 2ha, gia đình thu lãi về hơn 500 triệu đồng/năm” – chị Hồng nói về giá trị kinh tế vượt trội của cây dứa mật.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Hồng còn tích cực chia sẻ, hỗ trợ các hộ dân trong xã về giống, kỹ thuật, kinh nghiệm, trồng chăm sóc cây mật đạt hiệu quả.
Ông Đỗ Đức Anh Mạnh – Phó chủ tịch UBND xã Phú Khê cho biết, qua kiểm tra, khảo sát cho thấy mô hình trồng cây dứa mật phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất Phú Khê. Hộ chị Nguyễn Thị Hồng trở thành tấm gương sáng trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương.
“Trong thời gian tới, chính quyền xã Phú Khê sẽ tạo điều kiện thuận lợi để gia đình chị Hồng thực hiện liên kết với các hộ trong xã mở rộng diện tích trồng dứa mật. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối tiêu thụ với các nhà máy chế biến, tạo vùng thu mua nguyên liệu ổn định; tăng cường quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử để sản phẩm dứa mật Phú Khê ngày càng được thị trường biết đến, vươn xa hơn” – ông Mạnh nói.