Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng
nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn ở Phù Ninh ngày càng khởi sắc. Kinh tế -
xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được
nâng cao. Cơ cấu lao động có bước chuyển dịch mạnh mẽ, các công trình được đầu
tư xây dựng đã và đang phát huy hiệu quả.
Diện mạo đô thị ở Phù Ninh ngày càng khang trang, hiện đại
Tạo được sự đồng thuận của người dân
Khi triển khai thực hiện xây dựng NTM, Bảo Thanh là xã có xuất phát điểm kinh
tế thấp, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, đời sống của nhân dân còn nhiều khó
khăn. Vì vậy, Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM của xã xác định công tác
tuyên truyền, vận động về nội dung, mục tiêu, ý nghĩa của chương trình NTM đến
người dân là việc làm quan trọng, thường xuyên. Từ đó, tạo được sự ủng hộ của
toàn thể nhân dân, bộ mặt nông thôn đã có những đổi thay đáng kể, đặc biệt là
đời sống vật chất tinh thần của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt.
Ông Nguyễn Đức Lân, Chủ tịch UBND xã Bảo Thanh cho biết: Nhờ làm tốt công tác
tuyên truyền vận động, nên quá trình xây dựng NTM ở địa phương nhận được sự
đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều hộ dân đã
không ngần ngại chặt các cây ăn quả lâu năm hiến đất, góp sức, vật liệu làm
đường giao thông, tu sửa kênh mương nội đồng… Từ sự vào cuộc của cả hệ thống
chính trị và toàn thể nhân dân, hiện xã đã đạt 17 tiêu chí xây dựng NTM. Xã
đang tiếp tục tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm
nâng cao thu nhập cho người dân.
Không chỉ tại xã Bảo Thanh, việc phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội được các
địa phương trong huyện đặc biệt quan tâm. Huyện đã huy động trên 832.278 triệu
đồng cho xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh.
Nhiều địa phương đã huy động được sự tham gia tích cực của người dân, công ty,
doanh nghiệp cùng chung tay để xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “Nhà
nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua, huyện đã có hàng ngàn hộ dân hiến
đất với hơn 150.000m2 và hơn 8.200 ngày công lao động. Nhờ vậy, hệ thống giao
thông đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Đến nay,
tổng đường trục xã được cứng hóa đạt 96.57%; đường trục thôn được cứng hóa đạt
95.83 %; đường ngõ xóm được cứng hóa đạt 76.95%; đường trục chính nội đồng đảm
bảo vận chuyển hàng hóa quanh năm đạt 100%.
Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng, huyện đã tập trung phát triển sản xuất
nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Đây được coi là một nhiệm vụ quan trọng
trong xây dựng NTM. Đến nay, hầu hết các xã trên địa bàn đều có đề án phát
triển sản xuất theo hướng hàng hóa dựa vào lợi thế. Nhiều mô hình đã mang lại
hiệu quả và được nhân rộng, điển hình như: Mô hình chè Chùa Tà, hồng không hạt
Gia Thanh, cá thính Tử Đà…
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã bước đầu phát huy hiệu quả. Đến
nay, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90%, tỷ lệ lao động qua
đào tạo và được truyền nghề đạt trên 69%, trong đó: Tỷ lệ lao động qua đào tạo
có viêc làm đạt 95%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt trên
36%, góp phần thúc đẩy đưa công nghiệp vào nông thôn, giải quyết việc làm,
chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động.
Ở xã Phú Mỹ, đường giao thông được bê tông hóa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và chuyên chở hàng hóa của người dân
Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NTM
Theo đánh giá từ Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM của huyện thì bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chương trình còn một số hạn chế nhất định. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng NTM còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực đầu tư, chủ yếu vẫn dựa vào vốn ngân sách Nhà nước trong khi nguồn lực hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn rất hạn chế. Công tác giải phóng mặt bằng một số công trình còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công…
Khắc phục những khó khăn, tồn tại, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai đồng bộ chương trình trên địa bàn các xã, thị trấn. Trong đó ưu tiên chỉ đạo, hỗ trợ cho các xã có khả năng sớm đạt chuẩn NTM, phấn đấu hết năm 2020 toàn huyện có 15 xã đạt chuẩn NTM. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống dân cư nông thôn, nâng tỷ lệ hộ giàu, khá, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo. Đảm bảo 100% dân số tham gia BHYT.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nghị quyết của Huyện ủy về xây dựng NTM đến năm 2025, huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh các đoàn thể chính trị xã hội, sức mạnh đoàn kết toàn dân. Quán triệt thực hiện xây dựng NTM theo phương châm phát huy nội lực sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư, phát huy tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tăng cường lồng ghép các nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp nông thôn như: Giao thông nội đồng, thủy lợi, trường học, y tế, nhà ở, hộ nghèo, môi trường. Quy hoạch vùng sản xuất đẩy mạnh đầu tư tăng năng xuất chất lượng, kết hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nâng cao giá trị thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân…
Hoàng Quý