Phát động hơn 125.000 hộ hội viên đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi
Trong 6 tháng đầu năm 2022, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được triển khai sâu rộng và lan tỏa mạnh mẽ với những cách làm sáng tạo.
Với nhiều cách làm sáng tạo, áp dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào sản xuất, nhiều nông dân đã thành công với các mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những mô hình tiêu biểu có thể kể đến như: Mô hình chăn nuôi và sản xuất chim bồ câu Pháp của hội viên Nguyễn Văn Thành (xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê) cho lợi nhuận 8 tỷ đồng/năm; mô hình trồng cây ăn quả của hội viên Đặng Trung Kiên (xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy) cho lợi nhuận 2,8 tỷ đồng/năm…
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Phương Hạnh cho biết, với mục đích liên kết những nông dân cùng ý tưởng kinh doanh, tiến tới cùng sản xuất một đối tượng cây trồng, vật nuôi liên kết theo chuỗi, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đã có kế hoạch triển khai thành lập các câu lạc bộ “Nông dân tỷ phú”, “Nông dân triệu phú”, “Nông dân giỏi”.
Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh Phú Thọ có trên 5% số hộ hội viên, nông dân đạt tiêu chuẩn hộ nông dân SXKD giỏi các cấp tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ. Từ đầu năm đến nay, Hội đã xây dựng 23 câu lạc bộ “Nông dân giỏi” và một câu lạc bộ “Nông dân triệu phú”.
Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ tăng cường công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên; xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đã kết nạp mới 943 hội viên; thu hút, tập hợp, vận động, tổ chức cho 125.123 hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp năm 2022; thành lập mới 23 chi hội nông dân nghề nghiệp, 7 tổ hội nông dân nghề nghiệp…
Các cấp Hội đã tổ chức tốt các hoạt động tương trợ, giúp đỡ trong nội bộ nông dân, thông qua phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, cho mượn vốn, đổi công, cung cấp cây, con giống, vật tư, lương thực….với tổng giá trị trên 6,1 tỷ đồng, trên 6.400 ngày công; trực tiếp và phối hợp giúp đỡ hội viên nông dân thoát nghèo được 320 hộ.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân đã vận động nông dân hiến trên 92.000m2 đất, hơn 9.000 ngày công; tham gia làm mới, sửa chữa 82km đường giao thông nông thôn, 171km kênh mương, 28 cầu, cống; đóng góp trên 9 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới; tham gia trồng được trên 10 triệu cây xanh phân tán, cây bóng mát.
Tuyên truyền, vận động 177.018 hộ nông dân đăng ký đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 102.542 hộ nông dân SXKD nông sản, thực phẩm đăng ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; 548 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn tiêu biểu như mô hình “Xử lý nước thải bảo vệ môi trường làng nghề”, “Xử lý chất thải trong chăn nuôi trang trại”,..
Tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển bền vững
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các cấp Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đã tập trung xây dựng và quản lý tốt nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, trở thành nguồn vốn hiệu quả giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế.
Theo đó, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh đang quản lý cho vay tại 219 dự án, với số tiền là 49.895,4 triệu đồng, cho 1.201 hộ vay.
Trong đó, nguồn vốn Trung ương ủy thác là 15.500 triệu đồng; nguồn vốn cấp tỉnh là 17.925,5 triệu đồng; nguồn cấp huyện là 16.469,9 triệu đồng.
Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Phú Thọ ký kết chương trình phối hợp và triển khai chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Thông qua 1.092 tổ tiết kiệm và vay vốn, Hội đã chuyển tải nguồn vốn tới 35.597 hộ, với tổng dư nợ 1.323.207 triệu đồng.
Ngoài ra, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp của Hội Nông dân đã trực tiếp tổ chức 18 lớp nghề cho 630 lao động nông thôn.
Hội Nông dân các huyện, thành, thị phối hợp tổ chức 27 lớp nghề cho 930 lao động nông thôn với các ngành nghề kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… Qua đó, 1.450 lao động qua đào tạo có việc làm ổn định; xây dựng 21 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ KHKT.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ cho biết thêm, trong 6 tháng cuối năm 2022, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và tỉnh Phú Thọ.
Trong đó, tập trung chọn lọc những nội dung phù hợp để đảm bảo tuyên truyền thiết thực, hiệu quả đến cán bộ, hội viên nông dân. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình sản xuất tiêu biểu của nông dân, cũng như gương nông dân điển hình trong các lĩnh vực.
Đối với Hội thi Nhà nông đua tài cấp tỉnh, tham gia Hội thi khu vực và toàn quốc cần được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về mọi mặt.
Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ xác định trọng tâm hai nhiệm vụ: Hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho người nông dân và hỗ trợ nông dân phát triển thông qua nguồn vốn.
Bà Nguyễn Thị Phương Hạnh đánh giá, Phú Thọ có 78 sản phẩm OCOP nhưng để sản phẩm được công nhận, được kết nối, được người tiêu dùng biết, sử dụng sản phẩm, phải làm tốt kết nối tiêu thụ, trong đó khâu tuyên truyền rất quan trọng.
“Định kỳ mỗi quý, Hội Nông dân tổ chức hội chợ nhỏ trong 2 ngày gồm các hoạt động trưng bày, giới thiệu và tiêu nông sản đặc trưng nhằm kết nối, đưa sản phẩm của Phú Thọ đến các tỉnh trong khu vực; kết nối tiêu thụ giữa các địa phương trong tỉnh với nhau. Bước đầu, mô hình này đã mang hiệu quả cao, nhận được sự tham gia, ủng hộ lớn của toàn thể nhân dân trong tỉnh”, bà Phương Hạnh nói.
Cũng theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ, nguồn vốn phát triển nông nghiệp cũng là trăn trở của nhiều nông dân hiện nay. Dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên để tiếp tục mở rộng sản xuất, nhiều nông dân, các hợp tác xã vẫn đang gặp khó khăn về vốn.
“Để người nông dân sản xuất với quy mô lớn vay được mức 500 triệu đến 1 tỷ đồng là cả câu chuyện. Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ xác định tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, triển khai cho vay gắn với tập huấn kỹ thuật, phương án tổ chức sản xuất để xây dựng các mô hình liên kết, các tổ hợp tác và nhóm hộ, câu lạc bộ cùng cộng đồng trách nhiệm phát triển kinh tế bền vững”, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ nói.