Thực hiện hoạt động theo Luật HTX năm 2012, đến nay nhiều mô hình hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh, nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp đã phát huy vai trò trụ đỡ cho kinh tế hộ, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo sự chuyển biến cho sản xuất, đời sống của bà con nông dân.
HTX chè Long Cốc, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn liên kết với các hộ dân sẽ đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào an toàn.
Toàn tỉnh hiện có gần 1.300 tổ hợp tác và 618 HTX, gồm 429 HTX nông lâm nghiệp thủy sản, 81 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, 39 quỹ tín dụng nhân dân và 60 HTX hoạt động trong nhiều lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, vệ sinh môi trường, điện năng… Tổng số vốn hoạt động, giá trị tài sản của HTX đến hết năm 2021 đạt trên 7.300 tỉ đồng. Doanh thu bình quân của HTX đạt 1.900 tỉ đồng/HTX/năm. Lợi nhuận bình quân của HTX đạt 168,8 triệu đồng/HTX/năm.
HTX chè Long Cốc, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn liên kết với 20 hộ trồng chè an toàn với diện tích 37,4ha. Bà Phạm Thị Hạnh – Giám đốc HTX cho biết: “Việc liên kết sản xuất theo mô hình HTX với các hộ dân sẽ đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra ổn định, sản phẩm bán ra thị trường có xuất xứ rõ ràng thông qua truy xuất nguồn gốc. Công suất chế biến đạt 50 tấn chè búp tươi/năm trở lên, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương. Hiện trung bình 1ha sản xuất theo quy trình an toàn, cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với sản xuất chè truyền thống…”. Được biết, từ năm 2020 đến nay, HTX đã có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao là chè Xanh Bát Tiên, chè Đinh đặc sản, chè Đinh Bát Tiên. Sản phẩm của HTX được khách hàng tại nhiều địa phương trong cả nước biết đến, đặt mua.
Thành viên HTX Rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Thao tập trung sản xuất rau an toàn phục vụ thị trường.
Những năm qua, các HTX trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực, từng bước phát triển, trở thành điểm tựa vững chắc cho nông dân. Điển hình như HTX Thượng Nông, HTX sản xuất chế biến chè Phú Thịnh, HTX sản xuất kinh doanh bưởi, HTX Mỳ gạo Hùng Lô, HTX thịt chua Thanh Sơn… Thực tế cho thấy, từ khi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, các HTX đã phát huy hiệu quả trong việc đổi thay cách nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết “4 nhà”, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân.
Trong cơ chế thị trường, nhiều HTX đã chủ động tổ chức tốt các hoạt động sản xuất kinh doanh – dịch vụ. Điển hình như trong lĩnh vực nông nghiệp, có 81 HTX có hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; 24 HTX bước đầu ứng dụng công nghệ cao, 18 HTX đăng ký nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; 18 sản phẩm của 14 HTX, tổ hợp tác đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên với các thương hiệu sản phẩm nổi bật như: Mỳ gạo Hùng Lô, thịt chua Thanh Sơn, bưởi đặc sản Chí Đám, chè an toàn Phú Thịnh, tương làng Bợ…
Đến nay, HTX đang là mô hình tổ chức kinh tế phù hợp, góp phần giải quyết nhiều hạn chế của kinh tế hộ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động tại chỗ, thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương và của tỉnh. Đồng thời, HTX đại diện cho các thành viên ký các hợp đồng với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, tổ chức sản xuất, tuân thủ quy trình kỹ thuật theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nông sản. Từ đó, phát huy vai trò tích cực của HTX trong giảm chi phí sản xuất – tiêu thụ, ổn định và mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, nâng hiệu quả sản xuất kinh doanh nông nghiệp và thu nhập của các hộ thành viên. Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các HTX, tổ hợp tác đang là những nhân tố tích cực nhất tại mỗi địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: Từ chiến lược phát triển đa dạng hóa hàng hóa, nông sản theo nhu cầu thị trường, nhiều HTX đã làm tốt vai trò trụ đỡ trong liên kết tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên. Từ đó, thúc đẩy hình thành các mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với những sản phẩm chủ lực, có quy mô lớn và có sức lan tỏa, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự tăng trưởng kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, để khẳng định vị trí của mình, các HTX cần tiếp tục phát huy các lợi thế về vùng nguyên liệu nông sản chất lượng gắn với làm hiệu quả các khâu sơ chế, hoàn thiện nguyên liệu cho doanh nghiệp thu mua đầu vào. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất nông sản có thể tiêu thụ sản phẩm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa kinh tế hộ bước đi vững chắc trên con đường hội nhập.
Quỳnh Anh (Nguồn: baophutho.vn)