Tuyến đường liên thôn, liên xóm của xã Lệ Mỹ, huyện Phù Ninh được bê tông hóa và lắp điện chiếu sáng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Nhiều chuyển biến tích cực
Là xã thuần nông, đời sống của người dân xã Trị Quận còn nhiều khó khăn. Khi bắt đầu xây dựng NTM, xã chỉ đạt bảy tiêu chí, công trình hạ tầng chưa đáp ứng, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, Đảng ủy xã rất trăn trở trong việc bàn bạc lựa chọn các khâu đột phá. Để đảm bảo tiến độ và hiệu quả thực hiện chương trình, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của xã đã quyết định xây dựng và phát triển theo đề án xây dựng NTM của Chính phủ, với phương châm: “Lấy sự đoàn kết toàn dân làm sức mạnh, lấy sức dân để lo cho dân, nhân dân là chủ thể cho hành động, nhân dân là người trực tiếp thực hiện, quản lý, trực tiếp hưởng thụ”. Từ đó, nhiều cách làm hay, thiết thực được triển khai như: Thực hiện cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án, ưu tiên phát triển giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế và các cơ sở hạ tầng chủ yếu và cơ chế giao quyền chủ động cho nhân dân. Vì vậy, đã tạo được sự đồng thuận, nhân dân tự nguyện thực hiện. Các phong trào cũng được triển khai, phát động đến từng thôn, từng hộ dân trong toàn xã: Phong trào hiến đất, hiến tường rào, góp của, góp công xây dựng đường bê tông, đường nội đồng; phong trào ngõ sạch, nhà đẹp, tường hoa… Nhờ phát huy được vai trò chủ thể của người dân, chỉ trong 2 năm, từ 2019-2020, nhân dân trong xã đã hiến gần 13.000m2 đất làm 2 tuyến đường liên khu và liên thôn với chiều dài 2,9km; đồng thời, người dân cũng đóng góp hàng nghìn ngày công để xây dựng, bê tông hóa kênh mương, đường nông thôn, nhà văn hóa khu,… Con em địa phương xa quê cũng đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp.
Đặc biệt, trong những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã đã phát huy thế mạnh của địa phương, quan tâm và chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng, thúc đẩy các ngành dịch vụ, thương mại phát triển, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất nông nghiệp… Với hình thức tổ chức sản xuất và cơ cấu kinh tế hợp lý cùng các nguồn thu khác, đã góp phần nâng cao thu nhập. Tổng thu nhập bình quân đầu người tăng, đạt 33,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, chỉ còn 28 hộ/1.305 hộ, chiếm 2,1%. Năm 2019, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhân là xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Trần Văn Tấn – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đảng ủy và chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền để khơi dậy ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới ở địa phương, chủ động phát huy vai trò giám sát cộng đồng… Trong quá trình huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, xã luôn lắng nghe ý kiến của dân để tìm ra giải pháp duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt được”.
Ông Trần Ngọc Cửu (đứng bên phải), Bí thư chi bộ khu 2, xã Trị Quận không chỉ gương mẫu hiến 300m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, mà còn là điển hình trong phát triển kinh tế trang trại tại địa phương.
Đi vào chiều sâu chất lượng
Sau 5 năm thực hiện các Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện Phù Ninh về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của huyện tăng từ 24,5 triệu đồng năm 2016 lên 33 triệu đồng năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,02%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90%, tỷ lệ lao động qua đào tạo và được truyền nghề đạt trên 69%; hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường, quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; môi trường sinh thái từng bước được cải thiện. Hết năm 2020, huyện có 13/18 xã đạt chuẩn NTM; 5 xã cơ bản đạt chuẩn NTM. Theo ông Nguyễn Văn Lực – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Dự kiến đến hết năm 2023, 100% các xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM và có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là: Bình Phú, Trung Giáp; Đến năm 2025, Phù Ninh phấn đấu đạt huyện NTM. Để thực hiện được theo đúng lộ trình, Đảng bộ và chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn đề cao vai trò làm chủ của nhân dân ở cơ sở và huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng trong xây dựng NTM. Với khẩu hiệu: “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân hưởng thụ”, trong quá trình thực hiện huy động nguồn lực, sử dụng nguồn được thực hiện công khai, minh bạch nên đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi, đi vào chiều sâu và bền vững”.
Sau 5 năm triển khai, huyện đã làm tốt công tác huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM, với tổng nguồn lực đã huy động là 634.770 triệu đồng. Trong đó, huyện tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông nông thôn, nhất là hệ thống giao thông đường trục xã, liên xã, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng. Trong năm 2020, có 161,1km đường trục xã, liên xã được cứng hóa; 85,99km đường trục thôn, xóm được cứng hóa; đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa là 186,99km; tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa: 64,8km… Tổng mức đầu tư 86,7 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhân dân đóng góp là 5,7 tỷ đồng.
Để tiếp tục đưa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đi vào chiều sâu, bền vững, huyện đã tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền, vận động khơi dậy sức dân bằng nhiều hình thức đến từng khu dân cư, hộ gia đình; các điển hình như nông dân hiến đất làm đường, điển hình trong sản xuất… đều được biểu dương để phát huy nhân rộng; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; củng cố phát triển 6 làng nghề được tỉnh công nhận; chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, trang trại, gia trại gắn với tiêu thụ sản phẩm. Xác định những sản phẩm tốt có tính đặc trưng đại diện cho các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, hỗ trợ cung ứng các giống cây có năng suất chất lượng cao, kết hợp với đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; tích cực xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các làng nghề như chè Chùa Tà, hồng không hạt Gia Thanh, cá thính Tử Đà; chỉ đạo các ngân hàng bám sát vào mục tiêu, chương trình cho vay phát triển kinh tế – xã hội…
Nhờ phát huy tối đa sức đóng góp của nhân dân, chương trình xây dựng NTM của huyện Phù Ninh đã đạt hiệu quả cao, góp phần giảm bớt áp lực cho nguồn ngân sách, tạo được sự chủ động, sáng tạo trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn huyện.
Như Quỳnh (Nguồn: baophutho.vn)