Khởi nghiệp với mô hình nuôi thỏ thương phẩm
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Tùng Khê, cuộc sống nghèo khó nên anh Hòa chỉ học hết lớp 9 rồi bươn chải đủ thứ nghề từ Bắc vào Nam để mưu sinh. Dù rất vất vả, chắt bóp chi tiêu, anh Hòa mới đủ ăn, nghèo khổ vẫn đeo bám.
Anh Hòa cho biết, năm 2017, qua một người bạn nuôi thỏ thành công, tìm đọc qua mạng, sách báo, anh nhận thấy mô hình chăn nuôi thỏ thương phẩm công nghệ cao New Zealand khá dễ nên đã học tập và quyết tâm trở về quê nuôi thỏ khởi nghiệp.
Nói là làm, với số tiền ít ỏi vài chục triệu đồng tích cóp, vay mượn được, anh Hòa đã tập trung ngay vào xây dựng chuồng trại, mua 100 cặp thỏ giống New Zealand.
Những ngày đầu mới bắt tay nuôi thỏ, anh Hòa gặp không ít khó khăn, thiếu vốn sản xuất, thiếu kinh nghiệm, đàn thỏ không được chăm đúng cách nên bị chết gần hết.
Không nản chí, anh Hòa tiếp tục tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc thỏ thông qua mạng xã hội, sách báo và các mô hình nuôi thỏ ở nhiều tỉnh thành khác để ứng dụng cho trại thỏ của mình.
“Trời không phụ công người, chỉ sau một thời gian ngắn, những chú thỏ sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Từ thành công đó, năm 2018, tôi cùng gia đình đầu tư tiếp toàn bộ số tiền vay được từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH để xây dựng chuồng trại với hệ thống phun sương làm mát trên mái nhà, máng nước uống tự động, lồng nuôi đặt cao so với nền nhà 60cm, thoáng mát…,” anh Hòa nhớ lại những kỷ niệm khó quên trong thời gian ban đầu khởi nghiệp nuôi thỏ của mình.
Theo anh Hòa, nếu chăm sóc tốt, một con thỏ cái có thể sinh sản được 7 lứa/năm, mỗi lứa từ 7 đến 10 con. Đối với thỏ làm giống sau khi tách mẹ đạt 0,6 đến 0,7kg/con thì xuất chuồng.
Sau 3 tháng thả nuôi, thỏ đạt trọng lượng từ 2,2 đến 3kg thì tiến hành xuất bán thịt thương phẩm, với giá từ 80.000 – 120.000 đồng/kg.
Nuôi thỏ từ thoát nghèo đến có của ăn của để
Theo anh Hòa, tuy không kén ăn nhưng thỏ là loài gia súc yếu, sức đề kháng cơ thể kém, dễ cảm nhiễm các mầm bệnh và phát triển thành dịch. Do vậy, người nuôi cần làm vệ sinh lồng nuôi, chuồng nuôi thỏ hằng ngày.
Đồng thời, người nuôi cũng cần định kỳ sát trùng lồng, chuồng, máng ăn, máng uống, ổ đẻ của thỏ. Bên cạnh đó, người nuôi cần cung cấp cho thỏ đầy đủ thức ăn và nước uống sạch sẽ, chất lượng tốt.
Các bệnh thỏ thường mắc là bệnh bại huyết, bệnh ghẻ, bệnh cầu trùng…. Để phòng bệnh cho thỏ, anh Hòa mời cán bộ thú ý về tiêm vaccine cho thỏ mẹ 6 tháng/lần, thỏ con từ hơn 1 tháng tuổi sẽ tiêm một lần cho tới khi xuất bán.
Sau 5 năm khởi nghiệp, tới nay anh Hòa đã sở hữu một trại thỏ rộng hơn 300m2, với hơn 200 thỏ sinh sản, hơn 2.000 thỏ thương phẩm gối đầu.
Trung bình mỗi tháng, trại thỏ nhà anh bán ra thị trường khoảng 10 tạ thỏ thương phẩm. Nhờ nuôi thỏ thương phẩm, mỗi năm anh Hòa có doanh thu 500 – 600 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí được lãi từ 150 – 200 triệu đồng/năm.
Thỏ thương phẩm của chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Hòa đã có thương hiệu và được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và nhiều tỉnh thành phố như: Hà Nội, Thanh Hóa, Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tùng Khê Trần Thị Minh Hải nhấn mạnh, với sự quyết tâm không ngừng học hỏi, chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất, gia đình anh Hòa đã vươn lên thoát nghèo; trở thành hộ có thu nhập khá nhờ có hướng đi phù hợp.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Hòa còn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn về kỹ thuật, cung cấp con thỏ giống cho nhiều hộ trong và ngoài xã có nhu cầu chăn nuôi thỏ để cùng nhau phát triển kinh tế.