Phú Thọ –Bệnh nhân nam 21 tuổi, bị tai nạn giao thông nguy kịch cần truyền máu hiếm O Rh(-) nhưng bệnh viện không có sẵn, bác sĩ buộc phải truyền máu O Rh(+) để cấp cứu kịp thời.
Ngày 14/6, ông Phạm Văn Học, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, cho biết đây là ca cấp cứu phẫu thuật hy hữu, quyết định sinh tử cho bệnh nhân và cả bác sĩ.
Bệnh nhân bị tai nạn giao thông, được đưa vào Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cấp cứu ngày 13/6 trong tình trạng hôn mê, dập phổi hai bên, gãy nhiều xương sườn, gãy xương đòn, vỡ lách, huyết áp cùng chỉ số oxy trong máu SpO2 tụt. Ê kíp cấp cứu đánh giá bệnh nhân sốc mất máu, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được truyền máu gấp.
Bệnh nhân không có người thân đi cùng, máu nhóm O Rh(-), gọi là máu âm, thuộc nhóm máu cực hiếm. Ở Việt Nam, 99,92% người mang nhóm máu Rh(+) gọi là máu dương, nhưng chỉ 0,08% người nhóm máu âm.
Các bác sĩ đưa ra nhiều phương án tìm máu, như thông báo rộng rãi tìm người có cùng nhóm máu để xin hoặc mua, hay liên hệ các nhóm hiến máu hiếm tình nguyện tại Hà Nội để hỗ trợ. Tuy nhiên mọi phương án đều không khả thi, vì trái tim của bệnh nhân không thể co bóp với lòng mạch trống rỗng, cần phải truyền máu ngay. Các bác sĩ quyết định dùng máu O dương truyền cho bệnh nhân.
Đây gọi là “truyền máu trái yếu tố”. Về nguyên tắc, máu nhóm âm truyền được cho người nhóm máu dương, nhưng người mang máu âm chỉ được nhận máu cùng nhóm. Trường hợp truyền máu dương cho người máu âm thì cơ thể sẽ sản xuất kháng thể chống kháng nguyên D. Người này nếu lần sau tiếp tục nhận máu dương thì các kháng thể chống D có sẵn trong cơ thể sẽ làm ngưng kết hồng cầu, đe dọa tính mạng.
Theo ông Học, như vậy, về lý thuyết, trong trường hợp khẩn cấp có thể truyền máu O dương cho bệnh nhân này, nhưng chỉ được một lần. Nếu truyền từ lần thứ hai trở lên, nguy cơ xảy ra xung đột các nhóm máu, bệnh nhân có thể bị sốc và tử vong. Trong bối cảnh cấp cứu này, bệnh viện không khai thác được thông tin gì từ bệnh nhân và người nhà nên không thể biết anh đã truyền máu trái yếu tố bao giờ chưa.
Trong giây phút sinh tử, bệnh nhân có thể tử vong ngay, bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Phó giám đốc bệnh viện, hội chẩn quyết định truyền máu trái yếu tố và mổ khẩn cấp. Ê kíp phẫu thuật đã dùng 4 đơn vị máu O dương dự trữ tại ngân hàng máu bệnh viện để truyền cho người bệnh.
Hậu phẫu, bệnh nhân được theo dõi sát tại khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện, đến chiều nay chưa xuất hiện dấu hiệu bất thường.
“Truyền máu trái yếu tố cho bệnh nhân này là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi”, bác sĩ Ngọc nói sau ca mổ. Nếu không đưa ra quyết định kịp thời, bệnh nhân sẽ chết trước mặt các bác sĩ, còn quyết định truyền máu và mổ thất bại thì bác sĩ sẽ đối mặt với vô vàn phức tạp nguy hiểm.
“Trong giây phút sinh tử ấy, chúng tôi chỉ có một sự lựa chọn duy nhất và cũng là mệnh lệnh từ trái tim, là phải cứu lấy bệnh nhân bằng mọi giá”, bác sĩ cho hay.
Thúy Quỳnh