Các công đoạn sản xuất mì của HTX mì gạo Hùng Lô. Video: Hoan Nguyễn
Đặc sản mì gạo Hùng Lô
Xã Hùng Lô (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) được dòng sông Lô bồi đắp phù sa, màu mỡ. Một năm, người nông dân cấy hai vụ lúa tươi tốt với những hạt thóc thu hoạch căng tròn, mẩy vàng, ngọt bùi. Vì lẽ đó, xã Hùng Lô nổi tiếng với các làng nghề làm mì, miến gạo, làm bún…
Vài năm trở lại đây, khi nhắc đến xã Hùng Lô, người người, nhà nhà ở Phú Thọ đều tấm tắc, khen nức nở một thứ đặc sản sinh ra từ làng quê nặng đỏ phù sa này. Đó chính là mì gạo Hùng Lô.
Anh Cao Đăng Duy – Giám đốc HTX mì gạo Hùng Lô chia sẻ, cuối năm 2016, anh Duy vận động người dân trong xã thành lập HTX mì gạo Hùng Lô với 9 thành viên ban đầu.
Đến năm 2017, số lượng thành viên của HTX nâng lên 12 người. Cũng trong năm 2017, bằng các nguồn vốn tự có, vốn do các hội viên đóng góp, các tổ chức cho vay, HTX đã đầu tư, mở xưởng sản xuất mì gạo, bắt tay vào xây dựng thương hiệu “Mì gạo sạch sinh ra từ làng Hùng Lô”.
Hiện, HTX mì gạo Hùng Lô sản xuất và tiêu thụ khoảng hơn 500 tấn mì gạo/năm, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động, thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
“Suốt 6 năm qua, hoạt động sản xuất của HTX gặp nhiều khó khăn như: Tìm, hoàn thiện mặt bằng xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng sản xuất, xây dựng mối liên kết từ nguồn nguyên liệu gạo đầu vào…
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các sản phẩm hàng nhái lấy thương hiệu mì gạo Hùng Lô trên thị trường, việc tìm kiếm cơ hội và điều kiện để xuất khẩu được sản phẩm ra thị trường quốc tế…,” Giám đốc HTX mì gạo Hùng Lô Cao Đăng Duy cho biết.
Theo anh Cao Đăng Duy, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, HTX đã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thay thế một số công đoạn làm mì thủ công. Nhờ đó, sản phẩm mì gạo Hùng Lô đã có diện mạo mới cả về hình thức và chất lượng sản phẩm.
Nhãn hiệu tập thể “Mì gạo Hùng Lô”
Năm 2017, sản phẩm của HTX đã được công nhận nhãn hiệu tập thể “Mì gạo Hùng Lô”.
“Sau khi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm đã có bao bì, tem mác theo đúng quy định, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm thị trường tiêu thụ thông qua đa dạng các hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào việc mua, bán sản phẩm với mong muốn tạo nên sự đơn giản, thuận tiện cho người tiêu dùng”, anh Duy nói.
Từ những sản phẩm mì gạo chỉ tiêu thụ chủ yếu tại các chợ truyền thống của địa phương, giá thành thấp, trải qua thời gian, sản phẩm mì gạo Hùng Lô đã khoác lên mình diện mạo mới và ngày càng được nhiều người biết đến.
Đến nay, HTX mì gạo Hùng Lô đã có ba sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Các sản phẩm mì gạo Hùng Lô dần xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử như: Postmart, Voso, giaothuong.net.
Hiện nay, đã có hơn 30% sản lượng sản phẩm của HTX tiêu thụ thông qua sàn thương mại điện tử.
Song song với ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, HTX vẫn duy trì ổn định và mở rộng mạng lưới các kênh bán hàng truyền thống.
Theo đó, HTX đã ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh như: Công ty Golden scorpio, Công ty TNHH nông nghiệp Phú Nam, siêu thị Vinmart, Big C… Đối với các tỉnh trong cả nước, HTX thực hiện liên kết xây dựng đầu mối bán buôn.
Hiện HTX đang tập trung nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm dòng sản phẩm mì phở cao cấp nhằm tạo sự đa dạng sản phẩm, mở rộng đối tượng sử dụng.
HTX cũng đang tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng, hướng mục tiêu đến năm 2025, tổng sản lượng tiêu thụ đạt 1.000 tấn/năm. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ để nâng hạng sao các sản phẩm của cơ sở lên tiêu chuẩn OCOP 5 sao.
Thực hiện đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về Dân tộc – tôn giáo