Dù đã bước sang năm thứ 7 thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng đến nay xã Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn) mới hoàn thành được 10 tiêu chí. Để đạt được 9 tiêu chí còn lại, xã vùng cao này đang phải tháo gỡ nhiều “nút thắt” trong khi tốc độ phát triển kinh tế của địa phương còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao, hệ thống cơ sở hạ tầng nhiều bất cập…
Hiện tại, xã mới chỉ hoàn thành được 10 tiêu chí là: Quy hoạch, thủy lợi, điện, nhà ở dân cư, bưu điện, lao động có việc làm thường xuyên, tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, tổ chức chính trị – xã hội vững mạnh. Việc hoàn thành 9 tiêu chí còn lại đang gặp nhiều khó khăn, trong đó nan giải nhất là giao thông. Trên địa bàn có khoảng 60km đường trục xóm thì hiện bê tông hóa được gần 15km, còn lại phần lớn vẫn là đường đất, sỏi, thậm chí tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa đang ở mức 0%. Nguyên nhân khiến cho đường bê tông ở đây khó thực hiện là do địa bàn rộng, nhiều đồi núi, đường dài gấp nhiều lần so với các xã khác, trong khi dân cư lại sinh sống thưa thớt nên muốn làm được đường bê tông đòi hỏi phải có nguồn kinh phí rất lớn.
Dù gặp nhiều khó khăn trong việc xã hội hóa về kinh phí, song công tác vận động người dân hiến đất làm đường lại đạt hiệu quả cao. Những năm gần đây, các khu như Trung, Chiềng, Mua Vố, Đường Một… người dân đều tích cực hưởng ứng, thậm chí có gia đình ông Hà Văn Hoan, xóm Chiềng hiến đến hơn 100m đất để làm đường liên xã.
Bà Hoàng Thị Trọng, khu Mua Vố cho biết: Từ ngày nhận được thông báo sắp tới sẽ đổ bê tông tuyến đường 2km ở khu, ai ai cũng phấn khởi. Nghĩ đến cảnh trời mưa lũ trẻ đi học không còn bị lấm lem bùn đất, chúng tôi mừng lắm.
Không chỉ đang “loay hoay” với bài toán giao thông, mà cơ sở vật chất văn hóa cũng là một “nút thắt” khó gỡ trong quá trình xây dựng NTM ở Mỹ Thuận. Hiện tại xã có 15/15 khu đã có nhà văn hóa, nhưng số nhà văn hóa còn đảm bảo sử dụng được chỉ đạt 9/15. Số còn lại, từ năm 2010 trở lại đây bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là các nhà văn hóa ở khu Thuận và Xóm Mới, cơ sở vật chất gần như không còn sử dụng được. Đây là một trong những tiêu chí khó khăn nhất của xã để đạt được trong giai đoạn này, nguyên nhân do thiếu nguồn vốn và khó khăn trong công tác xã hội hóa, ông Hà Ngọc Tú – Phó Chủ tịch xã cho biết.
Năm 2018, UBND xã Mỹ Thuận đặt ra mục tiêu đưa Trường Mầm non Mỹ Thuận 1 đạt trường chuẩn Quốc gia.
Ngoài ra, thu nhập của người dân xã Mỹ Thuận hiện nay vẫn còn thấp tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 2%, trình độ chênh lệch, cơ cấu kinh tế của địa phương chủ yếu là nông – lâm nghiệp nhưng do phần lớn diện tích đất ở xã là đồi núi, không chủ động được nguồn nước tưới nên việc sản xuất nông nghiệp không được thuận lợi khó khăn cho công tác xã hội hóa. Thêm vào đó, các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển chậm, công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn còn nhiều hạn chế nên việc tăng nguồn thu nhập cho người dân là điều rất khó thực hiện.
Ông Tú cho biết thêm: Để tăng mức thu nhập cho người dân, thời gian qua xã đã thực hiện nhiều giải pháp như khuyến khích người dân tăng tỷ lệ diện tích lúa có chất lượng và giá trị cao; chuyển một phần diện tích trồng rừng nguyên liệu giấy sang trồng rừng đa dụng; cải tạo, trồng thay thế các diện tích chè cũ, cằn xấu bằng các giống chè xanh chất lượng cao gắn với thương hiệu. Tập trung nguồn lực tạo bước đột phá trong phát triển chăn nuôi: Nuôi trâu, bò thịt chất lượng cao và trâu, bò sinh sản cung ứng cho địa bàn và các vùng lân cận; quy hoạch vùng trồng cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc quy mô lớn. Đồng thời, hỗ trợ vật tư con giống, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp từ nguồn vốn các chương trình của huyện và trung ương, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của xã đều giảm liên tục qua các năm, năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm 4% so với năm 2016. Hiện thu nhập bình quân của người dân xã đạt 18 triệu đồng/người/năm, tăng 1,5 triệu đồng so với năm trước.
Chính quyền xã cũng đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng thủy lợi, trường học…; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Cho đến nay, toàn xã có 5 trường, điểm trường học, trong đó 3 trường (điểm trường) có cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia là trường Tiểu học Mỹ Thuận 2, trường Mầm non Mỹ Thuận 2 và trường THCS Mỹ Thuận, đạt tỷ lệ 60%.
Năm 2018, UBND xã đặt ra mục tiêu hướng tới hoàn thành tiêu chí chợ nông thôn, thực hiện công tác quy hoạch chợ, đồng thời, tiến tới xây dựng trường mầm non Mỹ Thuận 1 đạt chuẩn Quốc gia.
Với địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, tuy một số hộ dân đã tự nguyện đóng góp ngày công lao động, hiến đất xây dựng các công trình dân sinh, nhưng sự đóng góp về kinh phí còn hạn chế. Trong khi đó, nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp gần như không có khiến việc hoàn thành các tiêu chí cơ sở hạ tầng của Mỹ Thuận vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để từng bước tháo gỡ các nút thắt, năm 2018, UBND xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động mọi nguồn lực để chung tay xây dựng NTM. Đồng thời đề nghị UBND huyện tiếp tục quan tâm bố trí từ nguồn vốn ngân sách hỗ trợ kinh phí xi măng, cát sỏi để xây dựng đường giao thông nông thôn và xây dựng cơ sở hạ tầng cho xã trong các chương trình vốn lồng ghép xây dựng kênh mương thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa… giúp Mỹ Thuận cán đích NTM giai đoạn 2018-2025 như mục tiêu đã đề ra.
Nguồn: baophutho.vn