Nếu như xứ Huế mộng mơ nổi tiếng với chiếc nón bài thơ mỏng manh, dịu dàng cùng tà áo dài tím thướt tha thì ở miền Trung du Đất Tổ – quê hương của rừng cọ đồi chè lại quen thuộc với những chiếc nón lá trang nhã, chắc khỏe mà bình dị gắn liền với hình ảnh thân thương trong cuộc sống hàng ngày của những người dân thôn quê.
Nón lá làng Dền, xã Gia Thanh, huyện phù Ninh trở thành một sản phẩm du lịch trên quê hương Đất Tổ.
Thuộc xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, Làng nghề sản xuất nón lá làng Dền đã hơn 100 năm tuổi, hiện có tới trên 80% số hộ dân và nhân khẩu làm nghề đan nón. Từ trẻ nhỏ 13 -15 tuổi đến các cụ già trên 80 tuổi đều có thể cầm kim khâu, mỗi nhà trở thành một công xưởng nhỏ với các công đoạn nhịp nhàng từ tẽ lá, làm vanh tới cắt mo, quay lá, khâu, nức nón, quang dầu. Sau khi người làm nón xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa được xếp lên rồi khâu. Bàn tay người thợ cầm kim đưa nhanh từng mũi khâu thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài. Khi chiếc nón được khâu xong, người làm nón hơ bằng hơi diêm sinh để màu nón trở nên trắng muốt và không ẩm mốc. Bà Nguyễn Thị Tịch – người làm nón lâu năm ở xã cho biết: “Một chiếc nón đẹp phải đảm bảo mái nón phẳng phiu, đường khâu mượt mà, những vết khâu trải trên mỗi vành theo những khoảng cách đều tăm tắp. Với người làm nón chuyên nghiệp có thể làm được từ 2 đến 3 chiếc/ngày”.
Qua thời gian, nón làng Dền vẫn giữ mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý được thị trường rất ưa chuộng. Sản phẩm làm ra đều được thương lái đến đặt mua hoặc vào những ngày chợ phiên người làm nón sẽ mang nón đến chợ và trong buổi sáng sẽ bán hết. Không chỉ là một sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu cuộc sống của địa phương, ngày nay nón lá làng Dền còn trở thành sản phẩm du lịch phục vụ các đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm các công đoạn làm nón.
Nhãn hiệu làng nghề nón lá Sai Nga tại thị trấn Cẩm Khê luôn được thị trường ưa chuộng bởi mẫu mã và chất lượng. Ảnh: Nguyễn Vũ Hậu
Cũng giống như làng nghề nón lá làng Dền, làng nghề nón Sai Nga ở thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê cũng đã có từ 70 năm trước và đã lan tỏa mạnh mẽ sang một số xã lân cận. Làng nghề nón Sai Nga hiện có trên 600 hộ với trên 650 lao động làm nghề, chủ yếu tập trung tại khu Văn Phú 1, khu Văn Phú 2, khu Văn Phú 3, khu Văn Phú 4 của thị trấn Cẩm Khê. Khác với các làng nghề làm nón truyền thống khác, các nghệ nhân làm nón ở Sai Nga đã khéo léo khi sử dụng lá cọ trung du để làm nón và thổi hồn vào chiếc nón lá thông qua những hình ảnh đặc trưng về thiên nhiên, con người Đất Tổ như: Cổng Đền Hùng, rừng cọ, đồi chè, lũy tre… mang đến cho chiếc nón lá Sai Nga diện mạo mới. Đó là sự kết hợp mềm dẻo, khéo léo của đôi bàn tay nghệ nhân cùng óc thẩm mỹ để nâng tầm giá trị thẩm mỹ của chiếc nón, đáp ứng nhu cầu chất lượng làm quà tặng, thu hút du khách mỗi khi có dịp ghé thăm. Trung bình mỗi ngày một người thợ làng nón Sai Nga có thể làm 3-4 chiếc nón, giá mỗi chiếc nón đẹp làm kỹ có giá 60.000- 80.000 đồng, nón thưa có giá 45.000 – 50.000 đồng/chiếc. Bình quân mỗi năm cả làng sản xuất đạt gần 500.000 chiếc nón các loại.
Nếu như trước đây làm nón Làng Dền ở Phù Ninh và nón Sai Nga ở Cẩm Khê chỉ là nghề phụ của người dân lúc nông nhàn nhưng đến nay nghề làm nón lá đã giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập, góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương. Đặc biệt, nón lá đã trở thành sản phẩm du lịch, là món quà độc đáo cho du khách mỗi khi đến với làng nghề. Bà Triệu Thị Nhường, trưởng làng nghề sản xuất nón làng Dền cho biết: “Dù vất vả nhưng những người làm nón chúng tôi ai cũng muốn bám chặt lấy nghề. Có nhiều nghề sẽ bị quên lãng theo thời gian, nhưng nghề làm nón Làng Dền vẫn sẽ tồn tại và được nối tiếp truyền từ đời này sang đời khác”.
Ông Nguyễn Đức Hòa- Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: Phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống là nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược của ngành. Thời gian tới, Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh sẽ tăng cường liên kết, hợp tác trong việc phối hợp với hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, cung cấp thông tin điểm đến, hình ảnh, sản phẩm du lịch không chỉ riêng với nón lá mà còn nhiều sản phẩm khác cho du khách tạo điều kiện tốt nhất để phát huy thế mạnh của du lịch làng nghề của tỉnh. Đây là cơ hội tốt để những làng nghề truyền thống quảng bá hình ảnh của mình đến với du khách; bên cạnh đó, các làng nghề cũng sẽ có nhiều cơ hội để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.
Bài và ảnh Giang Ninh