Cây trồng mới, con con nuôi mới tạo việc làm, tăng thu nhập
Những năm gần đây, huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) đã nỗ lực nhiều trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân giảm nghèo, nâng cao đời sống. Trong đó, trồng dưa các loại là một trong những hướng phát triển kinh tế mới, đem lại hiệu quả rõ rệt.
Gia đình chị Hà Thị Tám là hộ đầu tiên trồng dưa tại xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Đến nay, gia đình chị đã có kinh nghiệm 6 năm trồng các loại dưa như dưa hấu, dưa lê, dưa bở.
Chị Tám cho biết, trước đây gia đình có 4 sào diện tích đất ruộng cao hạn, trồng đủ thứ cây nhưng vẫn không đem lại hiệu quả. Tình cờ biết đến giống cây dưa dễ trồng, ưa đất cao nên chị đã quyết định chuyển đổi sang trồng dưa.
Ban đầu, chị Tám gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, song vừa làm vừa học hỏi và chị đã thành công với mô hình trồng dưa.
“Mỗi năm gia đình tôi trồng 3 vụ, mỗi vụ thu hoạch từ 5- 6 tấn dưa. Với đầu ra sản phẩm ổn định, thương lái đến tận vườn thu mua, gia đình có thu nhập ổn định từ 120-150 triệu đồng/năm. Hiện nay, tôi đang trồng thử nghiệm giống dưa tiên cô nương, giống dưa mới, chất lượng cao và hứa hẹn sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế” – chị Tám phấn khởi kể.
Từ một hộ trồng dưa là gia đình chị Tám, đến nay xã Khả Cửu đã nhân rộng lên gần 10 hộ hội viên nông dân trồng dưa các loại. Nhận thấy đây là loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế, xã Khả Cửu đã khuyến khích hội viên tham quan một số mô hình trồng dưa trong và ngoài địa phương để học tập cách làm, từ đó áp dụng vào thực tế của gia đình.
Xây dựng cây, con mới thành sản phẩm OCOP
Cuộc sống của gia đình ông Hà Văn Mong (xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) vốn khó khăn. Vài năm nay, gia đình ông mạnh dạn chăn nuôi vịt suối bán thương phẩm và bán trứng vịt. Hiện, vịt suối là nguồn thu nhập chính cho gia đình ông Mong.
Mỗi năm, gia đình ông Mong nuôi được 3 lứa vịt suối, mỗi lứa khoảng 100 con. Đến kỳ thu hoạch, vịt suối đắt hàng như tôm tươi, với giá 100.000 đồng/kg. Cứ thế, cuộc sống sinh hoạt gia đình ông được cải thiện rõ rệt, có của ăn của để.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ, hiện tỉnh Phú Thọ có khoảng 50 hộ nuôi vịt suối, quy mô khoảng 30-100 con/hộ. Mô hình nuôi vịt suối quy mô hộ gia đình được triển khai có quy mô, bài bản nhất tập trung ở xã Đông Cửu của huyện Thanh Sơn.
Đến nay, xã Đông Cửu có 12 hộ chăn nuôi vịt suối theo hướng thương phẩm. Mới đây, Hội Nông dân huyện Thanh Sơn đã phối hợp với Hội Nông dân xã Đông Cửu thành lập Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi vịt tại xã. Đồng thời, giải ngân số vốn 600 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh cho các thành viên trong Chi hội để thực hiện dự án chăn nuôi vịt suối.
Nhằm giúp bà con chăn nuôi vịt suối ổn định đầu ra, Hội Nông dân xã đã kết nối giúp HTX dịch vụ Bình An liên kết với hộ nuôi vịt và hỗ trợ, chịu trách nhiệm cung ứng về con giống, thức ăn, thuốc thú y phòng bệnh… cho người chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp và HTX Bình An cử cán bộ thú y hướng dẫn cho bà con quy trình, kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vịt, kiểm tra, vệ sinh chuồng, trại nuôi định kỳ.
Trong chuỗi liên kết này, các hộ dân nuôi vịt suối sẽ chăm sóc vịt từ con giống đến khoảng hai tháng tuổi. Sau đó, HTX Bình An sẽ mua lại vịt nuôi của bà con với giá cam kết từ ban đầu. Khi đạt đủ thời gian chăn nuôi khoảng hơn ba tháng, HTX sẽ xuất bán ra thị trường.
Chủ tịch UBND xã Đông Cửu Hà Văn Cách nhấn mạnh, mô hình nuôi vịt suối giúp giải quyết việc làm, tăng nhu nhập cho người dân trong xã, từng bước giúp các hộ chăn nuôi xóa đói, giảm nghèo.
Hiện nay xã Đông Cửu đang xây dựng chiến lược khai thác đặc trưng, thế mạnh nhằm phát triển mạnh mẽ thương hiệu vịt suối Đông Cửu, hướng tới xây dựng thành sản phẩm OCOP.
Từ đó, đưa việc nuôi vịt suối quy mô hộ gia đình thành nghề phát triển bền vững, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và giúp cho bà con nông dân làm giàu.
Đến nay, huyện Thanh Sơn đã có 15 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó có 11 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao và 4 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao; đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh xét duyệt, thẩm định công nhận 7 sản phẩm đạt OCOP trong thời gian tới. Các mô hình sản xuất sản phẩm OCOP đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động nông thôn.
Để tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện việc xây dựng sản phẩm OCOP hiệu quả, huyện Thanh Sơn sẽ tiếp tục tăng cường công tác hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thực hiện chương trình, đẩy mạnh công nghệ thông tin, ưu tiên các giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và từng bước xây dựng các chuỗi liên kết cho các sản phẩm OCOP của huyện.