Giữ gìn tinh hoa nghề đan lát truyền thống
Xã Đỗ Xuyên (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) vốn nổi tiếng với nghề đan lát truyền thống. Để nâng cao thương hiệu làng nghề Đỗ Xuyên, cũng như để nghề truyền thống của cha ông không bị mai một, năm 2003, HTX sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa Đỗ Xuyên (HTX Đỗ Xuyên) chính thức thành lập, đi vào hoạt động.
Sản phẩm của HTX Đỗ Xuyên đều được làm thủ công từ chất liệu chính là gỗ, tre, nứa, song mây, như: Mâm, đĩa, khay, lọ, gương, đôn, các loại đồ lưu niệm, trang trí…
Bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc HTX Đỗ Xuyên cho biết, để tạo ra một sản phẩm từ tre, nứa hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn. Từ chọn nguyên liệu, ngâm, xử lý mối mọt, đến chế tác sản phẩm rồi trang trí bằng khảm trai, khảm vỏ trứng hoặc sơn mài… Trong đó, khó nhất vẫn là khâu tạo hình.
Trước hết phải vẽ hình trên nguyên liệu rồi cưa, cắt, đục, gọt, giũa, mài, dồn, chắp, dán… Họa tiết, hình vẽ trên sản phẩm của HTX Đỗ Xuyên là dòng sông, cây đa, bến nước sân đình, tơ hồng, bông lúa, hoa sen, bình hoa, mâm bồng, trống đồng…
Những họa tiết này, được sử dụng màu tự nhiên của các họ dòng tre để vẽ, hoàn thiện nên sản phẩm luôn tươi tắn, sinh động.
“Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ đây là sản phẩm làm từ gốm, sứ, thủy tinh…, chứ không phải từ nguyên liệu tre, nứa. Đây cũng chính là sự khác biệt của sản phẩm HTX Đỗ Xuyên trên thị trường,” bà Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.
“Càng làm càng quen, càng thấy gắn bó hơn với công việc. Bởi gắn bó với nghề đan lát truyền thống từ nhỏ nên những công đoạn từ sơn, mài đến chắp, dồn, dán, tôi đều làm thành thạo và có nhiều cách làm mới để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, tăng độ bền và độ chính xác của sản phẩm”, bà Nguyễn Thị Tuyết (khu 5, xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) vui vẻ nói.
Ông Đỗ Văn Liên (xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) hồ hởi chia sẻ: “Người nông dân chúng tôi từ xưa vốn chân lấm tay bùn, có thời gian nhàn rỗi là đan lát kiếm thêm thu nhập. Khi HTX thành lập, vừa tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con nông dân trong xã, vừa duy trì nghề truyền thống”.
Nâng tầm giá trị sản phẩm
Theo ông Liên, HTX Đỗ Xuyên có nhiều sản phẩm như mâm, đĩa, khay, lọ, gương, đôn, các loại đồ lưu niệm, trang trí… Trong đó, mâm bồng là sản phẩm bán rất chạy của HTX Đỗ Xuyên hiện nay.
Ngày trước, mâm bồng được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Những năm gần đây, vật dụng sinh hoạt ngày càng đa dạng, phong phú. Mâm bồng không còn hiện hữu trong mỗi bữa cơm thường nhật mà trở thành phẩm vật để trưng bày, bày cỗ cúng gia tiên.
“Mâm bồng của HTX Đỗ Xuyên độc đáo không chỉ bởi nguyên liệu làm nên nó là những nan nứa chắp, dồn ghép, nén chặt vào nhau mà còn do sự kỳ công của con người”, ông Liên khẳng định.
Sau gần 20 năm hoạt động, HTX Đỗ Xuyên đã sản xuất hàng trăm loại sản phẩm từ tre, nứa, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng, tiện dụng và sáng tạo.
Hiện nay, sản phẩm của HTX Đỗ Xuyên sản xuất chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và 1 số nước châu Âu. Mỗi năm, HTX Đỗ Xuyên sản xuất hàng triệu sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng, doanh thu đạt hơn 8 tỷ đồng/năm.
Năm 2021, HTX Đỗ Xuyên có 8 sản phẩm được tỉnh Phú Thọ công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh, gồm: Bình hoa – Con Rồng cháu Tiên, bình hoa – ươm mầm phát triển, bình hoa – trăm hoa đua nở, mâm bồng, mâm nứa chắp – tre xanh Việt Nam, khay vuông họa tiết gắn trai, khay tròn mùa xuân nông thôn mới, khay biển bạc.
Ông Vũ Quốc Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, những sản phẩm OCOP 4 sao của HTX Đỗ Xuyên có thiết kế đơn giản nhưng không kém phần tinh tế, rất tiện ích trang trí, trưng bày. Đây là sản phẩm rất có tiềm năng để nâng cấp trở thành sản phẩm OCOP quốc gia hạng 5 sao trong thời gian tới đây.
Bà Nguyễn Thị Hoa cho biết, HTX Đỗ Xuyên mong muốn tạo việc làm cho những nông dân những lúc nông nhàn, cho nguồn lao động dư thừa (người ngoài 50 tuổi) và cả những người khuyết tật. Do đó, HTX Đỗ Xuyên xác định kế hoạch tổ chức sản xuất chủ yếu là thủ công, dựa trên bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của những lao động này để tạo ra sản phẩm.
Hiện nay, HTX Đỗ Xuyên đã tạo việc làm thường xuyên cho 35-40 lao động trong xã với thu nhập trung bình 4-5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, tạo việc làm cho 2 người khuyết tật với thu nhập 3 triệu đồng/tháng/người.
Bà Bùi Thị Sở (khu 4, xã Đỗ Xuyên) cho hay: “Ở độ tuổi gần 70 của tôi, đi kiếm việc làm thuê để có thêm thu nhập là khó khăn. Nhưng nếu chỉ ngồi chơi, sống phụ thuộc con cháu cũng không đành. Công việc đan lát vừa phù hợp với sức của tôi. Trong năm, những vụ cấy lúa, gieo trồng xong xuôi, những lúc nông nhàn, chúng tôi lại cùng đến HTX Đỗ Xuyên ngồi đan lát, trò chuyện. Cuộc sống tuổi già vì thế cũng thêm vui”.
Sản phẩm của HTX Đỗ Xuyên đã khẳng định được thương hiệu không chỉ nhờ uy tín, độ bền cao, giá thành hợp lý mà còn kết tinh dấu ấn của bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ tài hoa.
Bà Hoa cho biết thêm, hiện HTX Đỗ Xuyên đang gặp khó khăn về vốn để mở rộng quy mô sản xuất. HTX rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện về chính sách ưu đãi vay vốn hoặc những chương trình, dự án cụ thể về ứng dụng khoa học, công nghệ.
“Chúng tôi có ý tưởng chế tạo các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có họa tiết dòng sông Lô, cây cọ, đồi chè, Con Rồng cháu Tiên… những hình ảnh đặc trưng của vùng đất Tổ. Khi sản phẩm xuất hiện trên thị trường, đến tay khách hàng, ai cũng sẽ nhận diện và biết đến đây là sản phẩm do HTX Đỗ Xuyên sản xuất,” bà Hoa nói.
Bên cạnh đó, HTX Đỗ Xuyên sẽ tích cực quảng bá sản phẩm trên “chợ online”, từ đó đưa làng nghề truyền thống hội nhập quốc tế.
HTX Đỗ Xuyên hướng việc phát triển sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ với thu hút du lịch. Đây là một trong những cách để sản phẩm của HTX “tiêu thụ tại chỗ” hiệu quả, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch vùng đất Tổ.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025