Khởi nghiệp từ nuôi dúi
Bươn chải tứ xứ làm thuê đủ việc, nhưng cuộc sống gia đình anh Phùng Ngọc Thuật (SN 1994, ở khu Đoàn, xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) vẫn mãi khó khăn, chật vật.
Năm 2019, tình cờ biết đến mô hình nuôi dúi qua ti vi, anh Thuật quyết tâm trở về quê hương, bắt tay khởi nghiệp.
Ban đầu, anh Thuật tận dụng, cải tạo chuồng lợn cũ của gia đình và dùng toàn bộ số vốn 20 triệu đồng tích cóp mua 10 cặp dúi giống về thả nuôi.
Tuy nhiên, đàn dúi của anh Thuật chết la liệt bởi chuồng nuôi xây dựng không phù hợp, thức ăn không đảm bảo, dúi con đẻ ra bị chuột tha hoặc dúi mẹ cắn chết…
“Lứa dúi nuôi đầu chết nhiều, vốn liếng tiêu tan, tôi buồn lắm. Nhưng cũng rút ra kinh nghiệm, dúi chết là do bản thân chưa biết kỹ thuật chăm sóc. Từ đó, ngoài sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đoàn thanh niên xã và địa phương, tôi chủ động tìm đến các trang trại trong tỉnh để tìm hiểu kỹ thuật nuôi, con giống,” anh Thuật kể.
Lần này, anh Thuật dồn toàn bộ số tiền 60 triệu đi vay được từ các nguồn khác nhau để đầu tư xây dựng lại 120m2 chuồng trại theo kiểu nhà tầng và mua 20 cặp dúi thuần ở địa chỉ uy tín về nuôi.
Đến nay, sau hơn ba năm khởi nghiệp, đàn dúi của anh Thuật đã được nhân lên hơn 250 con (cả dúi giống và dúi thịt).
Nói về kỹ thuật nuôi dúi, anh Thuật cho biết, chuồng nuôi dúi thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích, 100m2 có thể nuôi được 400 con dúi.
Chuồng có thể xây hoặc đổ tấm bê tông gắn lại với nhau theo kích thước cao 60cm, rộng 50cm và dài 50cm. Đặc biệt, chuồng phải kín gió, bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.
Đặc điểm của loài dúi chịu lạnh tốt, không cần uống nước, lượng chất thải ra ít và khô nên không tốn thời gian, công sức dọn vệ sinh chuồng trại. Vào mùa hè có thể phun sương trên mái che để dúi sinh trưởng, phát triển tốt.
Quá trình sinh trưởng, dúi nuôi 6-7 tháng là thời điểm phát dục, cần ghép đôi để dúi giao phối. Sau 15 ngày tách đôi để dúi cái sinh sản. Khi dúi sinh sản được một tháng thì tách dúi con sang chuồng nuôi thương phẩm…
Anh Thuật cho biết, dúi thương phẩm từ 8 – 12 tháng tuổi có thể xuất bán với trọng lượng từ 1,2-2kg/con. Giá dúi thương phẩm hiện nay từ 550.000 – 650.000 đồng/kg, còn giá dúi giống (tùy kích cỡ) dao động từ 1,4 – 2 triệu đồng/cặp.
Dúi sinh sản nhanh, khoảng 3-4 lứa/năm, mỗi lứa khoảng 2-3 con. Dúi dễ nuôi, chủ yếu ăn đêm ngủ ngày, thức ăn cũng dễ tìm như tre, cỏ voi, mía, ngô, rau củ dễ trồng, dễ kiếm.
Nhờ nuôi dúi, cuộc sống của gia đình anh Thuật không còn khó khăn, dần đi vào ổn định, sung túc hơn. Mỗi năm trừ chi phí, mô hình nuôi dúi giúp anh Thuật thu lãi từ 120-150 triệu đồng.
Hướng phát triển kinh tế mới từ nuôi dúi
Trong khi nhiều nông dân huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) vẫn đang loay hoay tìm hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thì anh Trần Công Nguyên (khu 7, xã Văn Bán, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đã lựa chọn phát triển mô hình kinh tế mới – nuôi dúi.
“Cái duyên đến với con dúi của tôi rất bất ngờ. Năm 2019, tôi bắt đầu nuôi dúi từ những con dúi hoang dã bắt được trên rừng. Quá trình nuôi, dúi sinh trưởng tốt, sinh sản nhanh, ít bệnh tật, không tốn công chăm sóc. Hơn nữa, thịt dúi thương phẩm bán đắt hàng như tôm tươi, đã mở ra cách làm kinh tế mới cho gia đình tôi,” anh Nguyên nói.
Đến nay, từ những lứa dúi bố mẹ, anh đã nhân đàn lên hơn 200 con. Trong chuồng nuôi lúc nào cũng có dúi giống và dúi thịt bán. Nhiều khách hàng từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… tìm về tận trang trại của anh Nguyên mua dúi. Sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi dúi giúp anh thu về gần 300 triệu đồng/năm.
Theo Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ, dúi nuôi mang lại giá trị cao, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân trong chăn nuôi, góp phần thúc đẩy kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở các địa phương. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún.
Để mô hình nuôi dúi được nhân rộng, phát huy hiệu quả, bền vững, thời gian tới, Hội Nông dân và Đoàn thanh niên các cấp sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các thành viên được vay vốn, tham gia các lớp tập huấn.
Đồng thời, hình thành tổ hợp tác liên kết các hộ nuôi dúi để có thể chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về cách chọn giống, chăm sóc, chuyển giao kỹ thuật, đầu ra tiêu thụ sản phẩm.