Phú Thọ –Một nữ sinh lớp 9 ở xã Minh Hạc, huyện Hạ Hòa, sau khi tiêm vaccine Pfizer thì tức ngực, buồn nôn, khó thở, co giật, được cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa chiều 20/1 xác nhận thông tin này với VnExpress. Hiện, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ – chưa có kết luận về nguyên nhân tử vong. Sau khi xảy ra vụ việc, huyện và xã đã tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình.
Theo thông tin từ gia đình, em đã tiêm mũi một vaccine Pfizer vào ngày 3/12/2021. Sau khi tiêm, em chóng mặt, khó thở, được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa cấp cứu, truyền nước, theo dõi, sau đó bình phục và được về nhà. Ngày 17/1 em tiêm mũi hai, mẹ có khai báo về tình trạng phản ứng của con sau tiêm mũi một, nhân viên y tế vẫn tư vấn tiêm tại điểm tiêm. Sau khi tiêm, cháu ở lại theo dõi 20 phút, xuất hiện triệu chứng tức ngực, buồn nôn, chóng mặt, khó thở, co giật.
Các y bác sĩ cấp cứu tại chỗ, sau đó chuyển bệnh nhân đến Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa. Khi đến viện, em nôn ra máu, hôn mê, tim đã ngừng đập. Rạng sáng 18/1, gia đình được thông báo con qua đời.
Việt Nam đang trong chiến dịch tiêm vaccine Covid cho trẻ 12-17 tuổi (bao phủ mũi một và tiêm mũi hai), loại vaccine được sử dụng là của Pfizer. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mũi hai vaccine Pfizer tiêm cách mũi một 3 tuần. Trường hợp sau tiêm mũi một gặp phản ứng, người được tiêm cần thông báo với nhân viên y tế chi tiết triệu chứng để được tư vấn tiêm chủng phù hợp.
Tính đến ngày 16/1, tổng số liều tiêm cho trẻ 12-17 tuổi là 14,6 triệu, tỷ lệ tiêm mũi một đạt 91%, mũi hai là 74%. 35 tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này.
Bộ Y tế ghi nhận khoảng 0,3% trẻ bị phản ứng thông thường sau tiêm. Các phản ứng thông thường này là sốt, đau vết tiêm, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi… Một số ít trường hợp tử vong sau tiêm, được hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân do phản vệ độ 4 – “cơ thể phản ứng quá mức với vaccine”.
Đầu tháng 12, một học sinh lớp 10 ở Sơn La tử vong sau tiêm vaccine Pfizer. Cuối tháng 11, một nam sinh 16 tuổi ở Sơn Động, Bắc Giang; nữ sinh lớp 9 ở huyện Thường Tín, Hà Nội; một bé trai 12 tuổi ở Bình Phước, tử vong sau tiêm.
Đầu tháng 1, một cô gái 23 tuổi ở Lào Cai tử vong sau tiêm mũi hai vaccine Pfizer.
Bộ Y tế ngày 22/12/2021 ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 dành cho người từ 18 tuổi trở lên, phân loại người tiêm thành 4 nhóm. Nhóm 1: Người đủ điều kiện tiêm chủng, là người độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vaccine. Nhóm 2: Người cần thận trọng tiêm chủng, gồm các nhóm người phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền, bệnh mạn tính; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; phụ nữ mang thai trên 13 tuần; người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống. Nhóm 3: Người trì hoãn tiêm chủng, gồm: Đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai dưới 13 tuần. Nhóm 4: Chống chỉ định, gồm: Tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine phòng Covid-19 cùng loại (lần trước); có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất. Sau khám sàng lọc, trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được chỉ định tiêm ngay, chỉ trì hoãn tiêm với trường hợp có ít nhất một yếu tố phải trì hoãn. Trường hợp có tiền sử phản vệ độ 3, với bất kỳ nguyên nhân gì, sẽ tiêm ở cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu phản vệ. Phụ nữ mang thai trên 13 tuần tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa. Không tiêm cho những người có chống chỉ định tiêm chủng. |