Mạnh dạn nuôi cầy vòi mốc, cầy hương
Ai từng về khu Cửa Miếu (xã Sơn Tình, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ), chắc hẳn sẽ biết đến lão nông hơn 60 tuổi Nguyễn Khắc Thân – người phất lên nhờ nuôi con đặc sản là cầy vòi mốc, cầy hương.
Theo ông Thân, trước đây ông từng chăn nuôi nhiều loại như lợn, gà, rắn nhưng không hiệu quả, khó khăn, thiếu thốn vẫn đeo đuổi.
Năm 2017, thấy người dân săn bắt được những con cầy nên ông Thân đã mua về nuôi thử. Ban đầu, ông Thân cũng nhiều đêm mất ngủ, thậm chí trắng tay bởi không nắm chắc kỹ thuật, chăm sóc cầy hương; nhiều con cầy bị ốm, chết.
Tuy nhiên, nhận thấy việc nuôi con đặc sản này rất tiềm năng bởi dễ bán, lại được giá cao, ông Thân đã đi vay mượn tiền để đầu tư, học hỏi chăn nuôi chuyên nghiệp.
Với số tiền 200 triệu đồng vay mượn được, ông Thân đi vào tận Thừa Thiên Huế để mua 11 con cầy vòi mốc và 4 con cầy hương giống về nuôi.
Đồng thời, ông Thân còn đầu tư tiền của xây dựng hệ thống chuồng trại bằng khung sắt, làm vách ngăn chắc chắn để thả nuôi cầy sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát.
Hiện gia đình ông đang nuôi 130 con cầy vòi mốc, cầy hương bố mẹ và cầy con.
Theo ông Thân, một con cầy mẹ mỗi năm sẽ đẻ 2 lứa, mỗi lứa 4-5 con; bình quân mỗi tháng đàn cầy sinh sản ra từ 15-20 con.
Ông Thân cho biết, với nhiều ưu điểm vượt trội như thịt thơm ngon, ít mỡ, hiện nay, cầy vòi mốc, cầy hương được nhiều người tiêu dùng, nhà hàng chọn làm món ăn đặc sản.
Cầy con nuôi khoảng 2 tháng có thể bán giống với giá 10 triệu đồng/cặp; cầy thịt nặng 6-8kg/con, bán với giá 2 triệu đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Thân thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm từ việc bán giống và cầy thương phẩm.
“Cơ sở chăn nuôi của tôi hiện được nhiều người chăn nuôi cầy ở khắp khu vực phía Bắc biết đến thông qua mạng xã hội. Nhiều nông dân trong cả nước tìm đến để giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và đặt hàng mua con giống”- ông Thân nói.
Cách nuôi cầy vòi mốc, cầy hương cho thu nhập cao
Ông Thân cũng chia sẻ, con cầy dễ nuôi, ít bệnh, tăng đàn nhanh, hiệu quả kinh tế rõ rệt. Thức ăn cho cầy dễ kiếm, giá thành rẻ, chủ yếu là cơm, chuối, mít, dứa…
Để đảm bảo cầy phát triển tốt, lớn nhanh, hệ thống chuồng trại nuôi cầy cần chú trọng đảm bảo luôn sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm thấp. Trong giai đoạn sinh sản, người nuôi không nên cho cầy ăn quá nhiều tinh bột; bổ sung dinh dưỡng cho con đực, thêm canxi và chất tanh cho con cái. Đặc biệt, người nuôi cần chú ý nhiệt độ chuồng nuôi dưới 28 độ để cầy phát triển tốt nhất.
Bên cạnh việc nhân giống trực tiếp để cung cấp cho người chăn nuôi tại các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước, hiện ông Thân đang học tập, hướng đến kết hợp với một số đơn vị thử nghiệm thụ tinh nhân tạo cầy vòi mốc nhằm đáp ứng tốt nhu cầu con giống, thương phẩm trên thị trường.
Ông Thân mong muốn được các cấp hỗ trợ để thành lập tổ hội nhằm mở rộng quy mô nuôi, đảm bảo nguồn cung ổn định để xuất bán, đồng thời giúp bà con nông dân trong vùng cùng nuôi.
Ông Hoàng Đình Đô, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Tình cho biết, mô hình nuôi cầy của hộ ông Thân là một nghề mới lạ, độc đáo.
Người dân ở xã Sơn Tình còn gọi đây là mô hình nuôi con đặc sản, trở thành hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, hiện việc đầu tư chăn nuôi cầy chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát theo hình thức hộ gia đình.
Để chăn nuôi cầy trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững cho người dân, cần thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng trong việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm, phòng, chống dịch bệnh theo định kỳ và lựa chọn con giống tốt, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của thị trường để mang lại giá trị cao trong chăn nuôi.