“Câu chuyện sản phẩm” tạo thói quen mua hàng
Hiện tỉnh Phú Thọ có 78 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Trong đó, 48 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt hạng 3 sao và 30 sản phẩm hạng 4 sao.
Các sản phẩm OCOP tiêu biểu như: Bưởi Đoan Hùng, chè xanh Phú Thọ, chuối phấn vàng, hồng không hạt Hạc Trì, hồng không hạt Gia Thanh, gạo nếp gà gáy Mỹ Lung, mì gạo Hùng Lô, cá sông Đà, thịt chua Thanh Sơn… Tuy nhiên, có rất ít sản phẩm làm tốt phần câu chuyện sản phẩm.
Theo quyết định số 1048 ngày 20/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, phần “câu chuyện sản phẩm” chiếm 10/100 điểm.
“Câu chuyện sản phẩm” là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng, người mua nhằm thay đổi cảm xúc của họ khi mua sắm sản phẩm, dịch vụ, có thể tạo nên thương hiệu của sản phẩm, mang đến suy nghĩ vượt ra ngoài tiện ích và chức năng của sản phẩm, dịch vụ.
Mặc dù đa phần nông dân có thể kể vanh vách mì gạo Hùng Lô, thịt chua Thanh Sơn… ngon làm sao, làm cầu kỳ thế nào… thế nhưng lại chỉ kể miệng. Điều này dẫn đến việc khi bán ra thị trường ngoài địa bàn, khách hàng không thể biết sản phẩm đặc sắc ở điểm nào.
Vì vậy, gần 80% sản phẩm OCOP trong quá trình hoàn thiện hồ sơ phải bổ sung xây dựng câu chuyện, rồi in lên bao bì hoặc in lên tờ rơi, hoặc đưa lên website, dựng phim ngắn…
Bên cạnh đó, ngay cả cán bộ cơ sở nhiều nơi cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của việc xây dựng câu chuyện sản phẩm, vẫn máy móc rập khuôn, xây dựng câu chuyện sản phẩm dài dòng mà không tạo nút thắt truyền tải được thông điệp giá trị hữu hình và giá trị vô hình của sản phẩm.
Vẫn có nhầm lẫn thương hiệu sản phẩm, nhầm lẫn chỉ dẫn địa lý, đến chứng nhận tiêu chuẩn. Thay vì chỉ nói sản phẩm này “ngon lắm”, “thơm lắm”, ‘tốt lắm”… thì thông tin nên gắn liền với địa danh, con người, văn hóa, bảo vệ môi trường, công nghệ sạch, những câu chuyện lịch sử…
Năm 2021, HTX sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa dồn Đỗ Xuyên (HTX Đỗ Xuyên) ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ tham gia quá trình đánh giá, phân hạng sản phẩm tre nứa dồn.
Ban đầu, họ chỉ có thông điệp là sản phẩm (mâm, bình, khay, lọ…) bền, đẹp, gần gũi với cuộc sống hằng ngày. Nhưng chỉ dừng lại như này thì ở đâu cũng có. Bởi vậy, HTX Đỗ Xuyên đã khai thác câu chuyện riêng cho sản phẩm tre nứa dồn.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc HTX Đỗ Xuyên cho biết, đơn vị xây dựng câu chuyện sản phẩm tre nứa dồn gắn với hình ảnh, quê hương, sản vật đặc trưng của Phú Thọ như dòng sông Lô, cây cọ, đồi chè, Con Rồng cháu Tiên…
“Câu chuyện sản phẩm tre nứa dồn Đỗ Xuyên là lý do tạo nên sự khác biệt và cuốn hút mọi người. Cùng là sản phẩm tre nứa nhưng tại sao khách hàng lại nhớ, luôn lựa chọn sản phẩm của chúng tôi!?
Vì sản phẩm tre nứa dồn Đỗ Xuyên vừa có câu chuyện về tinh hoa làng nghề đan lát truyền thống, vừa có những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc, di tích lịch sử, di sản văn hóa của Đất Tổ Vua Hùng. Bán sản phẩm OCOP chính là bán ‘câu chuyện sản phẩm’. Đến nay, chúng tôi không phải lo lắng đầu ra cho sản phẩm làm ra”, bà Hoa nói.
Duy trì, nâng tầm OCOP từ “câu chuyện sản phẩm”
Thế mạnh rất lớn của OCOP đó chính là tính đặc hữu, tính độc đáo địa phương. Điển hình có thể nói đến tương cổ Đất Tổ và nước cốt tương Holusa (xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao vào tháng 9/2021.
Ông Cao Trung Thông – người sáng lập ra hai thương hiệu sản phẩm trên cho biết: “Nước tương của Phú Thọ không thể cạnh tranh với nước chấm, nước tương của các tỉnh thành, nước chấm công nghiệp khác. Tuy nhiên sản phẩm hiện có quy mô không lớn, nhưng lại độc đáo, thấm đẫm giá trị văn hóa, thổ nhưỡng, kỹ năng của người làm ra, là ‘báu vật’ của làng quê Cao Xá. Đây chính là then chốt để sản phẩm OCOP của chúng tôi có lợi thế khi cạnh tranh trên thị trường.”
Ông Vũ Quốc Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, trong giai đoạn tới đây, “câu chuyện sản phẩm” vẫn chiếm tỷ lệ điểm số cao trong thang điểm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Xây dựng câu chuyện sản phẩm có thể giúp giá trị sản phẩm OCOP tăng lên nhiều lần.
Để việc này không hình thức, có ý nghĩa thực tế, công tác truyền thông cần đi trước một bước. Làm sao khơi gợi được niềm tự hào của chủ thể, của cộng đồng địa phương để bảo tồn, phát triển sản phẩm đó. Làm sao để các cơ quan quản lý nhà nước thấy trách nhiệm của mình trong triển khai OCOP.
Đồng thời, phát triển OCOP không phải mỗi việc của ngành nông nghiệp, mà cần đặt trong thể thống nhất, là vấn đề văn hóa, vấn đề du lịch, vấn đề xúc tiến thương mại, vấn đề sức khỏe con người, vấn đề tạo dựng sức mạnh mềm của địa phương, của quốc gia.
Cùng với đó, tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại là giải pháp đặc biệt quan trọng giúp cho sản phẩm OCOP tồn tại, phát triển. Xúc tiến thương mại cần có điểm ưu tiên, tôn vinh cho các sản phẩm có câu chuyện hay, độc đáo, thể hiện đặc sắc bản địa.
“Xây dựng câu chuyện sản phẩm có thể giúp giá trị sản phẩm OCOP tăng lên nhiều lần. Mà muốn làm tốt, phải xuất phát từ chính niềm tự hào của người dân, của cộng đồng về sản phẩm đó. Chỉ có họ mới kể ra được lịch sử hình thành và phát triển sản phẩm như thế nào, nó có sự tích gì, nét văn hóa ra sao.
Sản phẩm OCOP có bán được nhiều hơn trước thì người nông dân mới hăng hái tiếp tục tham gia, mới tái đầu tư phát triển sản phẩm mới, mới bảo tồn được giá trị OCOP, giá trị của văn hóa bản địa”, ông Tuấn nhấn mạnh.