Đặc sản rau sắn muối chua
Nhắc đến cây sắn, nhiều người thường chỉ nghĩ tới những món ăn được chế biến từ củ như bánh sắn, sắn nướng, sắn luộc…, mà không biết rằng lá sắn cũng ăn rất ngon. Ở Phú Thọ, rau sắn muối chua là đặc sản, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon.
Bà Lại Thị Xuân, Giám đốc HTX nông nghiệp sản xuất và chế biến nông sản Liên Gia Trang (HTX Liên Gia Trang), cho biết, không biết từ đâu và khi nào người Phú Thọ nghĩ ra cách muối chua ngọn rau sắn để chế biến thành các món ăn.
Có lẽ, xuất phát từ những năm đói khổ, thiếu thốn nên người Phú Thọ phải dùng ngọn rau sắn để bổ sung cho bữa ăn hằng ngày. Và ngày nay, rau sắn muối chua đã trở thành món ăn quen thuộc, một món ăn đặc sản của Phú Thọ.
Nắm bắt thị trường ưa chuộng, tận dụng những lợi thế về khí hậu, thiên nhiên ưu đãi, HTX Liên Gia Trang (xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đã chú trọng ứng dụng công nghệ, sản xuất rau sắn theo hướng hữu cơ, cho ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Giám đốc HTX Liên Gia Trang Lại Thị Xuân cho biết, HTX thành lập từ tháng 9/2019 với hơn 10 thành viên. Đến nay, sản phẩm rau sắn của HTX đã có mặt trên các kệ hàng của các siêu thị lớn như Big C, WinMart… ở Phú Thọ và các tỉnh lân cận.
Hiện nay, HTX Liên Gia Trang đang sản xuất theo mô hình hữu cơ trên diện tích hơn 4ha chủ yếu trồng nguyên liệu rau sắn, để phục vụ cho HTX sản xuất sản phẩm rau sắn. Ngoài ra, rau sắn được thu mua từ bà con xã viên và nhân dân trên địa bàn theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Nguyên liệu để làm rau sắn muối gồm có: ngọn rau sắn nếp tươi, măng tre, ớt quả chín, muối tinh, nước sạch… Sau khi chế biến, rau sắn thành phẩm đạt độ chua phù hợp, đóng gói thành từng túi có trọng lượng từ 600g-1kg.
Đặc biệt, trên bao bì của sản phẩm rau sắn muối đều có thông tin về nguyên liệu, hướng dẫn sử dụng, địa chỉ truy xuất nguồn gốc, thời hạn sử dụng.
Bà Lại Thị Xuân, Giám đốc HTX Liên Gia Trang nhấn mạnh, để làm ra sản phẩm rau sắn ngon, quan trọng nhất là chọn được rau sắn tươi đảm bảo chất lượng.
“Để sản xuất rau sắn đảm bảo sạch, ngay từ khâu làm đất chúng tôi đều tiến hành kiểm tra, phân tích rất kỹ đến khi đủ tiêu chuẩn mới tiến hành trồng. Nguồn phân bón sử dụng hoàn toàn bằng phân hữu cơ.
Trong quá trình sản xuất khi có sâu bệnh cũng tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà sử dụng các loại vi sinh vật đối kháng để tự tiêu diệt sâu bệnh. Chính vì vậy, sản phẩm rau sắn của HTX luôn được khách hàng lựa chọn, tin dùng” – bà Xuân nói.
“Khoác áo” OCOP cho rau sắn muối chua
Năm 2022, sản phẩm rau sắn muối chua của HTX Liên Gia Trang đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, được quảng bá trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo…, nhằm giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm phù hợp với giá tốt nhất.
Theo bà Xuân, sản phẩm rau sắn muối của HTX Liên Gia Trang được khách hàng đánh giá cao bởi sử dụng nguồn nguyên liệu rau sắn hữu cơ. Tuy nhiên, trước đây sản phẩm mới chỉ tiêu thụ ở thị trường tự do. Ngay khi được kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng và được đánh giá xếp hạng OCOP, sản phẩm của HTX đã được chuỗi các cửa hàng tiêu thụ thực phẩm an toàn trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng.
“Khẳng định chỗ đứng trên thị trường, thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường là thành công bước đầu của HTX Liên Gia Trang. Để tiếp tục phát huy lợi thế của sản phẩm đạt OCOP, thời gian tới, HTX mong muốn ngành chức năng sẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ cho HTX để khai thác, nâng cấp các sản phẩm cao hơn nữa. Đồng thời có phương án hỗ trợ HTX để mở rộng sản xuất khi sản phẩm đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu dùng” – bà Xuân nói.
Bên cạnh việc khẳng định chất lượng sản phẩm rau sắn muối đạt OCOP 3 sao, mô hình sản xuất của HTX Liên Gia Trang đang giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động dư thừa tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm Hùng Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Liễu cho biết, HTX Liên Gia Trang với mô hình sản xuất, chế biến rau sắn muối đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống thành viên, người lao động; đang từng bước góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Thực hiện đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về Dân tộc – tôn giáo