Cây rau sắng hay còn gọi là cây mì chính, cây rau ngót rừng… Cây rau sắng thuộc loại cây thân mộc, mọc tự nhiên trên những vách đá của những vùng núi có độ cao so với mặt nước biển từ 100m trở lên, là loại cây ưa ánh sáng.
Cây rau sắng phân bổ ở các vùng rừng núi thuộc nhiều tỉnh, thành phố của nước ta. Nhưng theo ghi nhận, cây rau sắng mọc nhiều nhất ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn của tỉnh Phú Thọ.
Nhưng rau sắng được cho là ngon nhất, đậm vị nhất là rau sắng mọc ở vùng núi chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội). Có người lại cho rằng, rau sắng mọc trên núi ở huyện Kim Bảng của tỉnh Hà Nam mới là loại rau sắng ngon nhất.
Điểm chung của rau sắng chùa Hương và rau sắng Kim Bàng là chúng đều mọc trên các triền núi đá lởm chởm. Thi sĩ Tản Đà là một người rất mê rau sắng.
Trong Lễ hội chùa Hương xuân Nhâm Tuất, tháng 1 năm 1923 do không đi được lễ hội, ông đã cho đăng bài Rau sắng chùa Hương và sau đó được một người con gái gửi tặng một gói bưu phẩm bên trong toàn là rau sắng.
Rau sắng từ xa xưa đã được ông bà ta coi là một trong những loại rau bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Rau sắng tốt sức khỏe của những người mới ốm dậy.
Lá, chồi non của cây rau sắng trông xanh thẫm, óng ả, mỡ màng. Sở dĩ lá non rau sắng có màu óng ả được cho là rau có hàm lượng protein và acid amin cao hơn hẳn các loại rau khác.
Theo phân tích, trong 100g rau sắng có khoảng 6,5 – 8,2g protit, 0,23g lysin, 0,19g methionin, 0,08g tryptophan, 0,25g phenylanalin, 0,45g treonin, 0,22g valin, 0,26g leucin và 0,23g isoleucin, 11,5 mg vitamin C, 0,6 mg caroten …
Như vậy, hàm lượng dinh dưỡng của rau sắng cao gấp nhiều lần rau ngót và đậu ván. Bởi vậy, đây là loại rau khi nấu canh ăn rất ngọt nước.
Trước đây, khi bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn thường lấy lá phơi khô để dành, khi nấu canh các loại rau rừng thì cho vào nồi canh mấy ngọn rau sắng thay mì chính.
Chính vì hàm lượng dinh dưỡng rất cao, ngon ngọt đậm đà, rau sắng ăn rất bổ cho những phụ nữ mới sinh và người mới ốm dậy, nó còn được coi là một vị thuốc chữa bệnh rất tốt.
Rau sắng, bao gồm cả lá non và các đọt thân, thường được sử dụng để nấu canh. Bát canh rau sắng có thể nấu với một trong các nguyên liệu thịt lạc xay, nước luộc gà, xương lợn, tôm nõn giã nhỏ, giò sống, thịt gà, cá rô, cá quả …v.v. mỗi thứ một vị nhưng đều rất thơm ngon và bổ dưỡng.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người sành ăn, chỉ khi nấu canh suông người ta mới cảm nhận hết những giá trị của thứ rau xanh mọc giữa trời, đất, gió và núi này.
Rau sắng thường mọc nhiều ở các núi đá thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo ghi nhận, rau sắng mọc nhiều nhất ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn của tỉnh Phú Thọ. Rau sắng nổi tiếng thơm ngon, đậm vị là rau sắng mọc ở núi đá chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội); rau sắng mọc ở núi đá huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam).
Đun nồi nước sôi, gia chút muối ăn và nếm thấy vừa vặn thì cho nắm lá rau sắng cùng các đọt thân đã rửa sơ vào nước, chờ nước sôi lại rồi bắc ra ngay, không nên nấu nát quá tuy làm nước ngọt hơn nhưng rau lại bã, ăn mất ngon.
Đặc biệt, không nên bỏ thậm chí cả những đọt thân hơi già và không cần dùng mì chính cho món canh này. Chậm rãi nhai từng chiếc lá, từng đọt ngọt để cảm nhận được vị bùi, vị ngọt, mùi hương thoang thoảng mát mát của chất đạm thực vật thật khó tả.
Nhữn cây rau sắng đực cho những chùm rồng rồng, những chùm rồng rồng cùng với hoa, nụ và quả non của cây sắng khi nấu canh ăn còn ngon ngọt hơn cả lá non. Tuy nhiên, những chùm hoa này, cùng với những đọt thân non to mập, không chỉ nấu canh mà hợp hơn cả là xào với thịt bò đã ướp với chút nước mắm và gừng tỏi.
Quả sắng chín ăn ngọt như mật ong nhưng hơi rát lưỡi. Người ta thường tách vỏ để lấy hạt ninh với xương thành món canh vừa ngon ngọt, vừa bổ dưỡng.
Chính vì những giá trị dinh dưỡng cao của cây rau sắng cùng với độ sạch của rau sắng, do mọc tự nhiên trong rừng, như vậy nên hiện nay, rau sắng được coi là loại rau sạch quý hiếm đặc biệt ở những thành phố lớn.
Thực hiện đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về Dân tộc – tôn giáo