Phú Thọ –Người đàn ông 40 tuổi, đang dọn vườn nhà thì bị đàn ong vàng đốt, sốc phản vệ nặng với biểu hiện hồi hộp, khó thở, tức ngực.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, chiều 14/6, trong trình trạng tiền hôn mê, thở rít, chỉ số oxy trong máu (SpO2) dưới 80%, mạch nhanh, huyết áp tụt, da, niêm mạc toàn thân tím tái.
Các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị sốc phản vệ do ong đốt, tình trạng nguy kịch. Ê kíp xử trí cấp cứu sốc phản vệ theo phác đồ, tiêm adrenalin, truyền dịch, đặt ống nội khí quản. May mắn sau ít phút, bệnh nhân thoát cơn nguy kịch, các chỉ số sinh tồn dần ổn định.
Ong vàng là một trong những loài ong hung hãn và có độc tố rất mạnh, song dễ bị nhầm với ong mật vì có những vệt dọc màu vàng, đen quanh cơ thể.
Sốc phản vệ do ong đốt có thể xảy ra rất sớm trong vòng 1-2 phút hoặc sau vài giờ, với các triệu chứng mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, khó thở, tức ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã kích thích, có thể có tiếng thở rít, rối loạn ý thức, hôn mê, thậm chí tử vong. Nọc ong gây tổn thương tế bào cơ thể như tiêu cơ, hoại tử cơ vân cấp, suy thận cấp, tổn thương đa cơ quan…
Vào mùa ong sinh sản, người dân nên tránh những khu vực cây cối nhiều hoa (như nhãn, vải…) – nơi con vật này hay làm tổ; phá bỏ tổ ong ở nơi có nhiều người qua lại; không để ong làm tổ trong nhà. Khi phải tiếp xúc với ong, người dân nên trang bị quần áo dày, mũ trùm đầu, kính…
Bác sĩ lưu ý ngay khi có biểu hiện bất thường như mẩn ngứa, khó thở, đau bụng, nôn, tiêu chảy, tụt huyết áp, choáng váng…, nạn nhân cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc chống dị ứng, tránh biến chứng.