Thanh Ba là huyện Trung du miền núi của tỉnh Phú Thọ. Từ năm 2010, khi bắt tay triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, huyện cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, với điểm xuất phát thấp, kinh tế trọng tâm là sản xuất nông nghiệp; hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển chậm và chưa đồng bộ, nhận thức của người dân về xây dựng NTM còn hạn chế, hầu hết các xã trên địa bàn chỉ đạt từ 4-5 tiêu chí/xã
Hệ thống giáo dục được huyện quan tâm đầu tư
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hướng dẫn của các sở, ngành và sự đồng thuận, thống nhất của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện, công tác xây dựng NTM đã đạt những kết quả quan trọng. Đến nay, toàn huyện đã có 14/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 77,8%); 03 xã đạt 15-18 tiêu chí (đạt 16,7%); 01 xã đạt từ 10-14 tiêu chí (chiếm 5,6%), bình quân tiêu chí đạt 18,22 tiêu chí/xã; diện mạo nông thôn các xã trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc; chất lượng đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao, nhận thức về xây dựng nông thôn mới được tăng cường; kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được huyện nhân rộng
Tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, huyện Thanh Ba đặt mục tiêu quyết tâm phấn đấu trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023. Mục tiêu đó đã được Đảng bộ huyện cụ thể tại Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025. Qua rà soát đến nay, huyện đã đạt 6/9 tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới (3 tiêu chí chưa đạt gồm: Quy hoạch, Văn hóa – Y tế – Giáo dục, Môi trường). Do vậy, để phấn đấu trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới ngoài việc đưa 04 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới, thì huyện cần hoàn thành nốt 03 tiêu chí cấp huyện. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, để hoàn thành được đòi hỏi huyện cần có những giải pháp đồng bộ, đồng thời cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của toàn thể người dân. Để hoàn thành các nội dung đó huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện cho giai đoạn tới, trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, kiện toàn Ban Chỉ đạo và bộ phận tham mưu giúp việc Ban Chỉ đạo từ huyện đến cơ sở theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ và hiệu quả, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, hiệu quả điều hành của chính quyền đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tăng cường sự lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể với thực hiện Chương trình theo nội dung cụ thể.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” và phong trào thi đua “chung sức xây dựng nông thôn mới” do UBND tỉnh phát động. Tổ chức phát động phong trào thi đua xây dựng “Xã, khu dân cư, gia đình nông thôn mới” nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và vai trò của khu dân cư, hộ gia đình và toàn thể người dân trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trực tiếp tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn huyện.
Ba là, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đến người dân; hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp mở rộng dịch vụ, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho các thành viên. Phát triển, mở rộng các loại hình chăn nuôi tập trung không làm ảnh hưởng tới môi trường. Khuyến khích phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn; chú trọng công tác đào tạo nghề, truyền nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Tăng cường quản lý và khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng hoạt động huy động vốn và cho vay trên địa bàn, tạo cơ hội bình đẳng cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn tín dụng để sản xuất, kinh doanh. Tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng và nhân rộng các mô hình, dự án có hiệu quả cao; đẩy mạnh liên kết sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản.
Bốn là, quan tâm đầu tư, chú trọng phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu gằn liền với lợi ích của người dân như: nước sạch, trường học, trạm y tế, môi trường, giao thông, thuỷ lợi. Việc lựa chọn, xác định hạng mục đầu tư trên địa bàn mỗi xã trên cơ sở khả năng huy động nguồn lực, tính cấp thiết của công trình, khả năng ảnh hưởng tích cực tới các hạng mục, chương trình khác nhằm tạo một bước chuyển biến có tính đột phá trên địa bàn xã.
Từ các giải pháp trên, cùng với khí thế quyết tâm, phát huy những thành quả trong xây dựng nông thôn mới hơn 10 năm qua, mong rằng huyện Thanh Ba sẽ đạt được mục tiêu là huyện tiếp theo của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023 theo đúng kế hoạch đề ra./.
Nguyễn Nam Cường – Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM