Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Thủy đã tích cực huy động mọi nguồn lực để thực hiện các tiêu chí. Nhờ đó, kinh tế – xã hội của huyện đã có bước phát triển khá, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Đến nay, toàn huyện đã có 12/14 xã đạt chuẩn NTM.
Con đường hoa xã Tân Phương
Việc phấn đấu đạt các tiêu chí NTM nói chung và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng. Nhận thức rõ vấn đề này, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện Thanh Thủy đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Huyện đã tích cực tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, qua nhiều phương tiện về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua lớn. Thông qua đó, đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Điều đó được chứng minh bằng việc nhân dân tự nguyện đóng góp hàng nghìn ngày công, hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để xây dựng các công trình chung. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trong huyện đã tích cực hưởng ứng chương trình với phương châm “đem sức dân xây dựng tương lai hạnh phúc cho dân”, vai trò chủ động của cộng đồng dân cư thực sự được phát huy cao độ. Trong 8 năm qua (từ năm 2010 đến nay), tổng số vốn đầu tư cho chương trình này của huyện là gần 2000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước đầu tư trên 80%, còn lại là các nguồn huy động xã hội hóa. Nhờ sự vào cuộc khẩn trương của cả hệ thống chính trị mà đến nay, trên 85% số xã đã đạt chuẩn NTM, bình quân chung toàn huyện đã đạt trên 18 tiêu chí/xã.
Xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước để tạo điều kiện, tiền đề cho phát triển kinh tế – xã hội, huyện Thanh Thủy đã chú trọng việc rà soát, chỉnh sửa, bổ sung quy hoạch về đất đai, quy hoạch vùng sản xuất cho phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư và coi đây là khâu đột phá giúp cho kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Giờ đây, khi về mỗi xã, mỗi khu dân cư, mỗi ngõ xóm, chúng ta đều thấy rõ một diện mạo mới ngày càng khang trang, đảm bảo sáng – xanh – sạch – đẹp. Hầu hết các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ được trải nhựa, bê tông hóa; đường liên thôn, ngõ xóm đã được cứng hóa và có điện thắp sáng. Hệ thống điện cùng với hệ thống thủy lợi thường xuyên được củng cố, nâng cấp phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Ở các địa phương, từ công sở, trường học, trạm y tế, chợ đến nhà văn hóa đều cơ bản đã được xây dựng kiên cố. Đặc biệt, toàn huyện hiện đã có trên 80% số trường học đạt chuẩn quốc gia đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em nhân dân. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn không ngừng được củng cố và nâng cao, nhiều năm liền đứng trong tốp đầu của tỉnh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì và phát triển. Đa số nhà ở của người dân đã được xây dựng kiên cố, ngày càng nhiều hộ dân có nhà tầng, trang trí đẹp và sử dụng những thiết bị hiện đại. Những yếu tố trên đã làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Thanh Thủy.
Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện luôn xác định việc thực hiện nâng cao thu nhập cho nhân dân là tiêu chí quan trọng nhất, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là tiền đề để thực hiện thắng lợi các tiêu chí còn lại. Hàng trăm mô hình, dự án phát triển sản xuất đã được triển khai, trong đó nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, chú trọng phát triển nông nghiệp cận đô thị gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, từng bước giải quyết việc làm cho người dân, tiêu biểu như: Mô hình trồng rau sạch ở Tu Vũ, Xuân Lộc; tương làng Bợ ở Thạch Đồng; trồng hoa, cây cảnh ở Tân Phương; trồng nấm, mộc nhĩ ở Đồng Luận; chế biến gỗ ở Sơn Thủy… Nhờ vậy, thu nhập và đời sống người dân Thanh Thủy không ngừng được cải thiện. Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công và tạo việc làm cho người lao động được quan tâm thường xuyên. Đáng chú ý là tỷ lệ hộ nghèo của huyện cuối năm 2017 đã giảm đáng kể, chỉ còn 4,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/năm. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường được các cấp chính quyền, đoàn thể quan tâm. Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hộ dân đều thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; chất thải, rác thải cơ bản được thu gom và xử lí, tạo điều kiện tốt để thu hút du khách về với Thanh Thủy.
Ông Nguyễn Trọng Luyện – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Thanh Thủy cho biết: “Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, bên cạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện sẽ tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và coi đây là giải pháp quan trọng nhất để thực hiện các tiêu chí khác. Hiện nay, huyện đang chỉ đạo 2 xã còn lại (Sơn Thủy và Đào Xá) huy động mọi nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí và phấn đấu để huyện đạt các tiêu chí NTM vào cuối năm 2018, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch”.
Để Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tiếp tục đem lại hiệu quả thiết thực, cần phải thực hiện một cách bền vững từng tiêu chí và thực sự coi xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Có như vậy mới tạo nên diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc và chất lượng sống của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Nguồn: phuthoportal.