Ba kích tím, nhất là củ ba kích tím vốn được xem là cây dược liệu quý của vùng rừng núi, nhiều người tiêu dùng biết đến bởi công dụng làm thuốc chữa bệnh, thành phần trong một số loại thực phẩm chức năng tốt cho sức khỏe, có thể dùng tươi hoặc qua chế biến, bào chế thuốc của các cơ quan sản xuất dược.
Cây Ba kích tím phát triển tốt, cho năng suất củ cao, thị trường đầu ra thuận lợi, hiệu quả cao hơn so với trồng cây lâm nghiệp và có chu kỳ khai thác sau trồng 2-3 năm. Chi phí đầu tư và kỹ thuật thâm canh phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân.
Là một trong số ít lao động trẻ tại địa phương, mới ngoài 30 tuổi, có tâm huyết với nghề nông, anh Phạm Văn Tám ở xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) đã sớm tự chủ kinh tế gia đình từ đất đồi rừng bằng việc đưa cây ăn quả về đất đồi rừng thay thế cây lâm nghiệp hiệu quả không cao.
Từ năm 2018, anh chọn trồng nhãn, mít Thái, bưởi Diễn… để trồng trên diện tích hơn 3 ha đất đồi của gia đình. Thành quả cũng đã đến khi các cây ăn quả phát triển tốt, cho quả sau 3 năm trồng.
Anh thấy đất trống trong vườn cây ăn quả còn có thể trồng xen canh với cây trồng khác để tận dụng đất cũng như có thêm nguồn thu nhập. Qua thực tế tìm hiểu tại vùng núi huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), anh thấy cây ba kích tím có thể trồng được tại vườn nhà.
Nơi đây có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khá tương đồng ở địa bàn Tân Sơn, mức chi phí đầu tư cây giống không lớn, có thể tận dụng được vật tư như cây làm giàn leo (tre nứa, cọc dào) tại địa phương giá rẻ.
Chùm củ ba kích tím “khủng” được anh Tám thu hoạch sau 25 tháng trồng. Mô hình trồng ba kích tím của anh Tám ở xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ).
Giữa năm 2020, anh Tám đã mua về 6.000 cây bầu giống ba kích tím để trồng xen trong vườn cây ăn quả. Trong 2 năm (từ 6/2020 – 7/2022), anh Tám vẫn không ngừng tìm hiểu đặc tính của cây, kinh nghiệm chăm sóc, bởi vậy dù tỷ lệ hao hụt cây khá nhiều.
Nguyên nhân hao hụt là do bị chết, động vật phá hoại, chỉ còn lại 3.300 cây nhưng năng suất, sản lượng củ hơn cả mong đợi, trung bình đạt 2-2,5 kg củ tươi/cây. Hơn nữa, thương lái đến tận nơi đặt mua cả vườn ba kích tím và tự khai thác, với sản lượng hơn 6 tấn củ tươi, anh Tám thu về 360 triệu đồng, sau khi trừ đi các khoản chi phí lợi nhuận được hơn 200 triệu đồng.
Anh Tám cho biết, cây ba kích tím sống khỏe và phát triển tốt ở vùng đất đồi, núi thấp, tầng đất canh tác dày, có độ thoáng để rễ cây nhanh phát triển thành củ.
Nhu cầu về phân bón và nước tưới cho cây ba kích không lớn, cần chú trọng phân hữu cơ, phân mùn bón cho đất xốp kích thích hệ rễ củ phát triển. Sâu ăn lá và bệnh hại rất ít, trong 2 năm trồng chưa phải dùng đến thuốc BVTV để xử lý trên cây.
Ba kích tím thích nghi rộng, có thể trồng xen canh dưới tán cây khác hay trồng ở mật độ cây dày, có thể trồng thuần mật độ lên đến 2 vạn cây/ha vẫn đạt năng suất và chất lượng củ tốt. Cây nhanh cho thu hoạch sau 2 năm trồng có thể khai thác. Cây càng để lâu năm, năng suất và chất lượng củ càng tốt. Ba kích tím thu hoạch không phụ thuộc vào mùa vụ, thời gian, khi thị trường có giá mua hợp lý sẽ khai thác.
Vườn trồng ba kích tím 6 tháng tuổi của anh Phạm Văn Tám
Để giảm giá thành đầu tư sản xuất, chủ động nguồn cây giống cho tái sản xuất và có thể cung cấp cho người dân có nhu cầu, hiện tại anh Tám đã và đang thành công việc nhân giống cây theo phương pháp giâm hom trong bầu.
Từ đầu năm 2022 đến nay, anh đã tự sản xuất được hơn 10 vạn cây giống có chất lượng để tái sản xuất tại chính gia đình và chuyển giao cho các hộ dân trên địa bàn.
Ngoài diện tích khoảng 3 ha trồng thuần tập trung cây ba kích tím của anh Tám được hơn 6 tháng tuổi, trên địa bàn các xã khác huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) người dân cũng đang phát triển loại cây trồng này với diện tích ước khoảng 4 ha do anh Tám chuyển giao kỹ thuật và nhận thu mua luôn sản phẩm đầu ra cho các hộ trồng, giúp họ yên tâm sản xuất.