Phú Thọ hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung
Phú Thọ là một tỉnh trung du, miền núi phía Bắc có ngành nông nghiệp khá phát triển với đầy đủ đối tượng vật nuôi, cây trồng số lượng lớn.
Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp, tỉnh Phú Thọ đã phát triển tương đối toàn diện, chuyển dịch theo hướng nông nghiệp hàng hóa ngày càng rõ hơn. Trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Đến nay, cả tỉnh Phú Thọ có diện tích lúa chất lượng cao đạt gần 28.000ha, chiếm 45% diện tích gieo cấy, hình thành 90 vùng trồng lúa chất lượng cao với tổng diện tích gần 9.000ha.
Diện tích trồng bưởi gần 5.000ha, sản lượng đạt khoảng 33.000 tấn; trong đó, có 147 vùng sản xuất bưởi với tổng diện tích hơn 720ha.
Diện tích chè giữ ổn định trên 16.000ha; tỷ lệ giống chè mới, chè chất lượng cao chiếm 75% tổng diện tích; có 159 vùng sản xuất chè xanh với tổng diện tích trên 2.400ha…
Trong nhiều năm qua, Phú Thọ luôn nỗ lực xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, với tốc độ tăng trưởng khá. Trong đó, tập trung nhiều hơn đến những sản phẩm đặc sản, đặc hữu của địa phương như gà nhiều cựa, chè, bưởi…
Bên cạnh đó, hình thức gắn kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản được tập trung triển khai.
Một số hình thức tổ chức liên kết sản xuất đã cho hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất chuối xuất khẩu ở Tam Nông; rau an toàn ở Lâm Thao, Cẩm Khê; liên kết bao tiêu bưởi Diễn, cam với Vineco tại Thanh Thủy…
Trong lĩnh vực chăn nuôi, việc tổ chức sản xuất tập trung có sự chuyển biến tích cực với 18 doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi lợn quy mô lớn, 220 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô trang trại với tổng đàn trên 104.000 con; 6 doanh nghiệp đầu tư phát triển gà thịt, gà trứng với tổng đàn trên 600.000 con; 357 cơ sở chăn nuôi gà quy mô trang trại, gia trại; 48 khu nuôi tập trung.
Bà Trần Thị Thu Hưởng, Trưởng phòng NNPTNT huyện Cẩm Khê cho biết, lĩnh vực nông nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt trong việc chuyển đổi các mô hình sản xuất kém hiệu quả sang sản xuất các loại sản phẩm khác có giá trị kinh tế cao hơn gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, Cẩm Khê đã có trên 100 cơ sở chăn nuôi gà quy mô trang trại, gia trại, trong đó hơn 70 cơ sở chăn nuôi gà thịt có số lượng nuôi trên 2.000 con/lứa, tăng 90% so với năm 2015.
Huyện đã thu hút được 3 doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi gia cầm ứng dụng khoa học kỹ thuật, dây chuyền hiện đại, tiên tiến với số lượng lớn lên tới hơn 300 triệu sản phẩm…
Đổi mới để nông nghiệp Phú Thọ phát triển
Một kết quả nổi bật của quá trình cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh Phú Thọ thời gian qua là thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản được mở rộng nhờ những giải pháp nỗ lực trong xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua hội chợ, sàn giao dịch điện tử.
Tỉnh Phú Thọ đã hình thành 22 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; có 33 HTX, 115 trang trại thực hiện liên kết; 9 cơ sở, doanh nghiệp có các sản phẩm vào hệ thống siêu thị hiện đại…
Nhiều HTX, trang trại đã ký kết hợp đồng dài hạn với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, khẳng định tính hiệu quả và sự phù hợp với nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Phú Thọ cho biết, các hiệp định thương mại tự do mang cơ hội cho nông sản “bay cao, vươn xa”.
Để thích ứng với thời cuộc, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự quyết tâm cao, các địa phương cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch đã đề ra trên cơ sở phát huy những lợi thế so sánh.
Theo đó, cần tập trung đổi mới hình thức sản xuất, quan hệ sản xuất; tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích kinh tế trang trại, gia trại phát triển, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học; phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Để tạo động lực mới cho nông nghiệp phát triển, phương thức sản xuất cần được thay đổi từ nhỏ lẻ, manh mún sang quy mô lớn, tập trung trong từng lĩnh vực, từng sản phẩm; chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cao; xây dựng kế hoạch sản xuất theo nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm là đặc sản của địa phương theo mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ.
Với diện tích hơn 60ha trồng chè, trong đó sản phẩm chính là chè xanh (Bát Tiên, Mộc, LDP1), HTX chè Hoàng Văn (xã Văn Luông, huyện Tân Sơn) đang tập trung phát triển theo hướng sản xuất, chế biến chè xanh chất lượng cao, phục vụ thị trường nội địa và hướng tới liên kết doanh nghiệp khác để xuất khẩu.
Đặc biệt, từ cuối năm 2020 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã triển khai mô hình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) gắn với dịch vụ bảo vệ thực vật trên cây chè tại đây, bước đầu cho thấy những hiệu quả rõ rệt.
Giám đốc HTX chè Hoàng Văn Đặng Đức Nam chia sẻ, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chất lượng và năng suất chè của HTX tăng cao. Năng suất chè tăng trung bình khoảng 1,4 tấn/ha/năm; lá chè dày hơn, nước có độ xanh và vị chè ngọt đọng lại lâu hơn.
Các sản phẩm chè xanh của HTX Hoàng Văn được người tiêu dùng ưa chuộng, có chỗ đứng ổn định trên thị trường với giá trị cao, như chè Bát Tiên – 600.000 đồng/kg; chè Mộc – 400.000 đồng/kg và chè LDP1 – 300.000 đồng/kg.
Nhờ đẩy mạnh các giải pháp, có cơ chế phù hợp khuyến khích, thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đến nay toàn tỉnh có 110 dự án được chấp thuận đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 12,5% tổng số dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh) với tổng vốn đăng ký hơn 5.755 tỷ đồng.
Mục đích phát triển nông nghiệp bền vững được xác định là kiến tạo một nền sản xuất nông nghiệp bền vững cả về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; tốc độ tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng cao.
Từ “trái ngọt” đạt được cùng các tiềm năng, lợi thế cũng như các giải pháp đồng bộ sẽ là nền tảng để sản xuất nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ tiếp tục có bước phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.