Sản phụ bị băng huyết nhưng gia đình chần chừ hơn 4 giờ không cho cắt tử cung khiến bệnh nhân rơi vào nguy kịch, buộc các bác sĩ ra quyết định chưa từng có.
Thai phụ Đào Thị Đ., 35 tuổi ở Đoan Hùng, Phú Thọ mang thai lần 3. Ngày 26/11, khi thai được 40 tuần, chị có dấu hiệu chuyển dạ, được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa Hùng Vương chờ sinh.
Sau 2 giờ theo dõi, các bác sĩ tiên lượng đây là ca đẻ khó, cần mổ lấy thai và gia đình đã đồng ý. Sau 30 phút, ca mổ đẻ thành công, bé gái nặng 3,5 kg chào đời khoẻ mạnh.
Tuy nhiên sau đẻ, bệnh nhân bị băng huyết ồ ạt, không đáp ứng với thuốc điều trị, huyết áp tụt dần, da nhạt, tím và lạnh. Dù được truyền 1,5 lít hồng cầu và huyết tương kết hợp hồi sức tích cực nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn xấu dần.
Ông Phạm Văn Học, lãnh đạo bệnh viện cho biết, đây là trường hợp tối cấp cứu nên bệnh viện đã kích hoạt toàn bộ hệ thống cấp cứu, sẵn sàng mổ cắt tử cung đồng thời huy động hàng chục nhân viên sẵn sàng hiến máu ngay lập tức. Lúc đó là 0h ngày 27/11.
Nhưng khi giải thích cho chồng bệnh nhân về việc cắt tử cung để cầm máu vì tình trạng quá nguy cấp, chồng sản phụ nhất quyết không đồng ý và có ý định chuyển vợ xuống tuyến trung ương.
Các nhân viên y tế trong kíp mổ hiến máu cứu sản phụ
0h40, sản phụ rơi vào sốc mất máu (tụt huyết áp, nhịp tim nhanh, niêm mạc nhợt trắng – dấu hiệu mất máu nặng), rối loạn đông máu nặng. Dù vậy, gia đình tiếp tục chần chừ thêm 4 giờ đồng hồ. Các bác sĩ trong phòng cấp cứu liên tục chiến đấu, tìm mọi cách cứu tính mạng cho bệnh nhân trong khi không được cắt tử cung.
Không còn cách nào khác, luật sư Nguyễn Đức Nhưng, Trưởng phòng Pháp chế đã tham mưu cho Ban giám đốc bệnh viện, quyết định cho chồng bệnh nhân trực tiếp vào phòng mổ để chứng kiến toàn bộ nỗ lực cứu sản phụ. Đây là việc làm không có tiền lệ.
Sau khi nhìn thấy gần chục kỹ thuật viên, bác sĩ, hộ sinh… đang hiến máu, xét nghiệm và truyền máu cho vợ mình ngay trong phòng mổ, cuối cùng anh chồng đã hiểu cắt tử cung là biện pháp duy nhất và lập tức đồng ý.
Gần sáng, sau một đêm thức trắng, ca mổ mới kết thúc. Sản phụ được truyền tổng cộng 3,5 lít máu (hơn gấp đôi so với lượng máu trong cơ thể).
Sau 3 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch, hiện tỉnh táo, huyết áp ổn định, ăn uống tốt.
Những đơn vị máu được truyền cho sản phụ
Mọi chuyện có thể đã kết thúc có hậu với câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn khi nhiều nhân viên y tế trong kíp mổ sẵn sàng cho đi những giọt máu của mình để kéo về mạng sống cho người bệnh.
Tuy nhiên, ông Học cho biết, thay vì biết ơn đối với những người đã cứu sống người thân của mình. Ngay sáng hôm sau, sáng hôm sau nữa và ngày hôm nay, các bác sĩ nhận được sự oán trách, giận dữ thậm chí là sự thóa mạ, xúc phạm của chính chồng sản phụ.
Ông Học cho biết, trong suốt quá trình tiếp nhận, thăm khám, cuộc đẻ và cuộc mổ, các bác sĩ đều làm hết trách nhiệm, đúng phác đồ, đúng tất cả thao tác, quy trình, không có bất kỳ sai sót chuyên môn nào dù là nhỏ nhất, vì vậy đã cứu được bệnh nhân từ trạng thái thập tử nhất sinh trở về.
Thúy Hạnh
Băng huyết sau sinh khó lường, có thể tử vong sau 30 phút
Khi bị băng huyết ồ ạt, nếu không cấp cứu kịp thời sản phụ có thể bị suy hô hấp, suy tim và có thể tử vong sau 30 phút.