Phú Thọ –Bé trai ba tuổi đau mắt, khó chịu, đi khám phát hiện u nguyên bào võng mạc, phải loại bỏ nhãn cầu để giữ tính mạng.
Từ nhỏ, gia đình thấy bé có ánh đồng tử bất thường nhưng chủ quan, không đi khám. Gần đây, bé khó chịu, đau mắt, đi khám phát hiện mắt trái có ánh đồng tử trắng, đồng tử giãn kích thước 5 mm.
Hai tuần trước, tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, các bác sĩ siêu âm, nghi ngờ u nguyên bào võng mạc, đề nghị chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Mắt Trung ương kiểm tra.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bé mắc u nguyên bào võng mạc, phải cắt bỏ đồng tử mắt trái để giữ tính mạng. Hiện, sức khỏe bé ổn định.
U nguyên bào võng mạc (còn gọi ung thư võng mạc) là bệnh lý ác tính hàng đầu trong các khối u ở trẻ em, thường gặp dưới 6 tuổi. Với khối u nhỏ, có thể điều trị bảo tồn, giữ lại nhãn cầu và thị lực cho trẻ. Trường hợp muộn, khối u lớn, bệnh nhân phải phẫu thuật loại bỏ nhãn cầu để bảo toàn tính mạng.
Dấu hiệu thường gặp của bệnh như đồng tử trắng, hay còn gọi là “mắt mèo”, “mắt thú”, “mắt có ánh sáng lập lòe”, “mắt có ánh sáng lấp lánh, rực rỡ”. Khi nhìn vào mắt bé, cha mẹ thấy có ánh trắng, nhất là vào ban đêm hoặc trong phòng tối vì khi đó đồng tử giãn…
Nhiều trường hợp lé, thị lực kém, đỏ mắt, đau nhức mắt, cần đưa trẻ đến khám sớm ở các cơ sở chuyên khoa mắt.
Bác sĩ khuyến cáo gia đình có tiền sử bị u nguyên bào võng mạc cần được làm xét nghiệm di truyền, tư vấn trước sinh. Các bé sau sinh cần được khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt để có thể phát hiện bệnh sớm, tránh biến chứng đáng tiếc.
Minh An