Phú Thọ –Đích đến của đoàn anh Phạm Trung Tiến là cuối hang Lạng, hang động lớn nhất ở vườn quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn.
Những ngày đầu tháng 1, Tùng Lâm, con trai 8 tuổi của tôi, cùng các bạn trong câu lạc bộ Ciến Outdoors đã thực hiện lại chuyến thám hiểm mà chị gái đã bỏ dở 5 năm trước. Hồi đó, tôi từng đưa con gái lớn khi ấy 10 tuổi tới cửa hang nhưng không thể đi tiếp vì thiếu trang thiết bị.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, cả đoàn mang theo đầy đủ đèn pin, gậy leo núi, đồ ăn dự phòng… và đặc biệt có thuê thêm 4 người đồng hành, hỗ trợ. Tôi là trưởng đoàn. Tất cả 20 thành viên là người lớn trong đoàn đều thực hiện test nhanh Covid-19 và kết quả âm tính mới lên đường.
Để thực sự gần gũi với thiên nhiên, cả đoàn đi bộ 3 km, vượt qua hẻm núi từ bản Dù sang bản Lạng để tiếp cận cửa hang. Vòm hang Lạng có nơi cao đến 20 m và chiều rộng tới hàng chục mét, bên trong có suối chảy và vách đá cao.
Chúng tôi xuống hang theo chiều thẳng đứng qua một cái miệng chỉ chui lọt con trâu, càng đi sâu vào trong lòng hang càng rộng mở, trần hang cao lên, bên trong có suối chảy uốn quanh, mỏm đá, gò đất… Càng đi xa càng thấy suối nước sâu hơn, hang rộng hơn, không gian xung quanh yên ắng, không ánh sáng, không sóng điện thoại. Địa hình ngày càng khó, những bạn bé phải có người lớn hỗ trợ qua suối nước sâu và các bờ đá hiểm trở, vách đất trơn như đổ mỡ.
Sau khoảng gần một giờ, chúng tôi tới một nơi nước sâu, vách đất cao và rất trơn. Không có một phương tiện liên lạc nào có thể hoạt động ngoài tiếng máy bộ đàm của đoàn. Tôi ra hiệu lệnh: “Tất cả các bạn mẫu giáo quay lại”. Một nửa đoàn không thể tiếp tục và buộc phải quay lại cửa hang trước. Số còn lại, khoảng 18 người, lội cả giày xuống nước để bảo vệ chân khi vượt qua vách đất. Tôi yêu cầu mọi người giảm mức sáng của đèn pin để tiếp tục tiến sâu vào trong lòng quả núi, nếu không chúng tôi không đủ pin để tìm đường ra ngoài.
Từ đoạn này, chúng tôi không còn cảm giác về không gian và thời gian nữa, cả đoàn vừa ngắm những kiệt tác của thiên nhiên vừa tiến bước. Các vách nhũ ở đây gần như còn nguyên vẹn do trần hang rất cao và chưa phát triển du lịch đại trà. Cuối cũng, chúng tôi đến trước một vực đá thẳng đứng cao tới 4 m và ở dưới là nước sâu. Dù có đem theo dây leo núi, khi quay về, những bạn nhỏ sẽ không trèo lên bằng dây được. Đoàn quyết định dừng lại tại đây để hẹn năm sau quay lại với đầy đủ thiết bị hơn. Tổng thời gian từ miệng hang vào tới vách đá và trở ra là hơn 3 tiếng.
Dù chưa đạt được ước nguyện đi tới tận cùng, chúng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc khi cả đoàn, gồm những bạn nhỏ cấp một và cả mẫu giáo, đi hàng cây số vào một hang sâu. Không chỉ những đứa trẻ, nhiều bố mẹ đã chiến thắng bản thân về sự sợ hãi, sức chịu đựng và ý chí trong việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ.
Thảo Phương, một phụ huynh trong đoàn, nói: “Mình đi cùng con thấy sợ nhưng chưa chắc con đã sợ, mình không làm được chưa chắc con không làm được, nên không thể áp đặt tư duy sợ hãi lên con và bó hẹp chúng trong cái mình cho là an toàn”.
Hang Lạng nằm ở núi Ten quay mặt ra cánh đồng bản Lạng. Bản Lạng là một trong bốn bản ở khu vực lõi Vườn quốc gia Xuân Sơn cùng với bản Dù, bản Lấp, bản Cỏi. Khi du khách đến từ cổng rừng sẽ tới bản Dù ở trung tâm vườn quốc gia, từ bản Dù đi đến bản Lạng có hai cách: đi đường xe máy bằng bê tông dài khoảng 5 km, hoặc đi đường rừng qua núi dài 3 km mất khoảng 45 phút.
Hiện nay hang Lạng được mở cửa tự do cho du khách, tuy nhiên không nhiều người tham quan hang vì phải đi qua nhiều bờ ruộng đất bùn bẩn. Có một số du khách chỉ chơi ở cửa hang vì địa hình khó đi, đất và vách đá rất trơn. Để chinh phục hang cần có sự hướng dẫn của người có nhiều kinh nghiệm và quan trọng nhất là tinh thần, ý chí của các thành viên tham gia.
Câu lạc bộ của chúng tôi chú trọng rèn luyện tính độc lập cho các thành viên nhí, các hoạt động đều mang tính thử thách và học tập như tự dựng lều, tự nấu ăn trong các chuyến cắm trại, tìm hiểu văn hoá địa phương, bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm có vỏ nhựa dùng một lần. Trong chuyến đi này các bạn nhỏ cũng dành một buổi sáng để đi phiên chợ vùng cao Xuân Đài (Tân Sơn, Phú Thọ -) họp vào sáng chủ nhật. Tiêu chí dành cho bố mẹ là tư tưởng cởi mở, khích lệ các khả năng của con thay vì áp đặt…
Trang bị dụng cụ cho chuyến đi này gồm có bộ đàm, bình đựng nước uống cá nhân, balo đựng lương khô hoặc chocolate dự phòng bị đói nếu đi lâu hoặc thậm chí có sự cố. Ngoài ra chúng tôi mang theo thuốc cá nhân dự phòng, đèn pin sáng, gậy leo núi, giày leo núi có đế chống trơn trượt, quần áo dài bảo vệ tay chân, dây leo núi dự phòng.
Chi phí của chuyến đi chưa đến một triệu đồng một người vì có sự chia sẻ giữa các thành viên.
Độc giả Phạm Trung Tiến