XEM CLIP:
Tại văn bản số 1062 ngày 30/3, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND TP Việt Trì khẩn trương kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định về nội dung báo VietNamNet phản ánh.
“Trước mắt, yêu cầu dừng tập kết thêm và áp dụng biện pháp để đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của nhân dân trong khu vực”, văn bản nêu.
Chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ được đưa ra sau khi báo VietNamNet ngày 29/3 phản ánh tình trạng tập kết hàng nghìn tấn lưu huỳnh lộ thiên ven sông Lô (thuộc phường Bến Gót).
Quá trình ghi nhận cho thấy, việc tập kết lưu huỳnh diễn ra trong thời gian dài. Khi vận chuyển lưu huỳnh lên bãi tập kết, các đơn vị để nhiều lượng lưu huỳnh vương vãi đoạn mép sông, che chắn sơ sài.
Đại diện Cảng Việt Trì lý giải việc tập kết lưu huỳnh là do tàu chở hàng bị thủng, do đó việc tập kết là phương án tình thế, khẩn cấp.
Phản ánh đến chính quyền tỉnh Phú Thọ, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Việt Trì đều tỏ ra bất ngờ trước bãi lưu huỳnh nghìn tấn lộ thiên ven sông. Theo tìm hiểu và tài liệu VietNamNet có được, đây không phải là lần đầu tiên Cảng Việt Trì tập kết lưu huỳnh lộ thiên ven sông.
TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, lưu huỳnh công nghiệp là hóa chất, phải tuân thủ các quy định trong quá trình vận chuyển, lưu kho bãi được quy định tại Quy chuẩn 05 của Bộ Công Thương về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất.
“Khi vận chuyển hóa chất bắt buộc phải có những phương án phòng ngừa sự cố chứ không có chuyện để vất vưởng gần 2.000 tấn hóa chất như vậy. Cách giải thích của Cảng Việt Trì chỉ mang tính chất bao biện”, ông Tùng nêu quan điểm.
TS. Hoàng Dương Tùng cảnh báo, mọi người đang lầm tưởng rằng lưu huỳnh không độc hại. Thực chất, lưu huỳnh vô cùng độc hại, khi ngấm vào nguồn nước, nó có thể gây nguy hiểm, gây ngộ độc và chết cho các sinh vật sống như tôm, cua, cá, ngao, sò,…. Hơn nữa, nếu con người ăn phải những sinh vật nhiễm lưu huỳnh thì cũng có nguy cơ bị nhiễm độc gián tiếp.
Theo ông Tùng, việc để hàng nghìn tấn lưu huỳnh lộ thiên như thế chắc chắn sẽ có hiện tượng lưu huỳnh phát tán khắp nơi, gây hại cho mắt, hệ hô hấp của con người. Nhóm ảnh hưởng nhiều nhất là những công nhân đang làm công việc thu dọn, bốc xếp hàng nghìn tấn lưu huỳnh này.
Các chuyên gia cảnh báo, bụi lưu huỳnh hoặc khí SO2 khi xâm nhập vào phổi, tim, mắt, họng, tai… nhẹ thì gây ngạt mũi, đau đầu, nặng hơn có thể gây khó thở, viêm phế quản, thậm chí có thể khiến ngộ độc máu, tử vong. “Đây là những tác hại mà người dân, chính quyền và doanh nghiệp nên biết và không nên chủ quan”, TS. Hoàng Dương Tùng lưu ý.
N.Huyền