Từng gây ồn ào dư luận vì liên quan đến vụ đánh bạc ngàn tỷ, cái tên Phan Sào Nam lại vừa được nhắc đến vì chuyện thi hành án.
Theo cáo buộc, với chức vụ Chủ tịch HĐQT, kiêm GĐ công ty VTC online, Phan Sào Nam đã bắt tay với Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐTV công ty CNC – là công ty bình phong của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao), thống nhất việc công ty CNC làm nhiệm vụ phát hành game lên mạng và ký hợp đồng hợp tác.
Nam còn ký hợp đồng với công ty Nam Việt xây dựng phần mềm tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet; chỉ đạo các thành viên trong công ty thiết lập hạ tầng máy chủ cho game bài Rikvip/TipClub; chỉ đạo đối soát, tiếp nhận tiền doanh thu tổ chức đánh bạc, chi phí trả thưởng cho đối tượng đánh bạc để phục vụ cho hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến.
Phan Sào Nam bị xác định đã thu lời bất chính số tiền hơn 1.475 tỷ đồng. Kiếm được bộn tiền, Nam chuyển tiền lòng vòng qua nhiều nấc trung gian đến người thân, bạn bè để gửi tiết kiệm, đầu tư góp vốn các dự án, mua bất động sản để hợp thức số tiền do phạm tội tổ chức đánh bạc mà có.
Phan Sào Nam. Ảnh Đình Hiếu |
Cáo buộc cho rằng, quá trình điều tra, Phan Sào Nam đã thừa nhận hành vi phạm tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền”, đồng thời tích cực cùng với người thân nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính.
Theo luật sư của Nam, thời điểm diễn ra phiên tòa sơ thẩm, tổng số tiền mặt và giá trị tài sản Phan Sào Nam giao nộp cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ là khoảng 1.300 tỷ đồng.
Bị TAND tỉnh Phú Thọ tuyên mức án 2 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, 3 năm tù về tội Rửa tiền, Phan Sào Nam được VKS kháng nghị đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng: Áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “tự nguyện khắc phục hậu quả” theo điểm b khoản 1 điều 151 bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 cho các bị cáo đã khắc phục hậu quả từ ½ số tiền thu lời bất chính trở lên.
Trước đó, trong phần tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKS cho rằng: Khi xem xét quyết định hình phạt, đề nghị HĐXX chấp nhận việc các bị cáo tự nguyện nộp lại từ 1/2 số tiền thu bất chính trở lên là tình tiết “tự nguyện khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b, khoản 1, điều 51 BLHS năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017, như vậy mới bảo đảm sự phân hóa tội phạm trong vụ án đặc thù này.
Đại diện VKS lấy ví dụ, bị cáo Phan Sào Nam tự nguyện nộp tiền và tài sản trên 1.300 tỷ đồng (trên 90,7% số tiền hưởng lợi do tổ chức đánh bạc mà có) phải khác bị cáo Nguyễn Văn Dương nộp 240 tỷ đồng (chưa được 17% số tiền tổ chức đánh bạc mà có).
Nếu không có chính sách rõ ràng, không cho áp dụng điểm b, khoản 1, điều 51 mà chỉ cho áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2, điều 51 thì sẽ đánh đồng ý thức chấp hành pháp luật giữa người chấp hành tốt với người chấp hành ở mức độ thấp trong việc tự giác nộp lại tài sản do phạm tội mà có.
Tại phiên tòa phúc thẩm, dù được VKS kháng nghị theo hướng có lợi, nhưng Phan Sào Nam vẫn bị tuyên y án.
HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận nội dung kháng nghị nêu trên của VKS vì cho rằng: Tiền các bị cáo nộp, bị phong tỏa đều là tiền có nguồn gốc do phạm tội mà. Số tiền này các bị cáo đều phải nộp sung quỹ Nhà nước nên không thể coi đó là bị cáo khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, việc các bị cáo tình nguyện giao nộp số tiền này thể hiện thái độ ăn năn hối cải, có thể coi là tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo như tòa án cấp sơ thẩm áp dụng là có căn cứ.
Chuyện thi hành án của Phan Sào Nam
Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, Phan Sào Nam thi hành án tại Trại giam Quảng Ninh.
Quá trình thi hành án, TAND tỉnh Quảng Ninh đã có 2 quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù tổng cộng 22 tháng 7 ngày đối với phạm nhân Phan Sào Nam. Ngày 6/2, Nam được ra tù.
VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm với các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù nói trên của TAND tỉnh Quảng Ninh.
Theo VKS, 2 quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh không có căn cứ và đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 quyết định trên.
Phía VKS cho rằng, theo quy định của pháp luật, phạm nhân nhận án 5 năm tù được giảm án khi chấp hành được 1/3 thời hạn phạt tù và phải có ít nhất 6 tháng hoặc 2 quý liền kề xếp loại thi đua từ khá trở lên.
Nhưng Phan Sào Nam chỉ được xếp loại khá quý III/2019, còn quý IV/2019 xếp loại trung bình. Ngoài ra, văn bản xác nhận Phan Sào Nam lập công là không có căn cứ.
Kháng nghị của VKSND Cấp cao tại Hà Nội còn thể hiện, Phan Sào Nam không đủ điều kiện để được xếp loại khá vì không tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Theo VKS, tài khoản của Phan Sào Nam và vợ tại Ngân hàng DBS Singapore có số dư hơn 5 triệu USD. Nhưng khi làm việc với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ, Nam không tự nguyện khấu trừ số tiền 5,3 triệu USD để thi hành phần nghĩa vụ hơn 155 tỷ đồng còn lại theo quyết định của bản án.
Hiện Nam còn hơn 253.000 SGD tại ngân hàng DBS Singapore nhưng không khai báo, không tự nguyện, chủ động khấu trừ số tiền này…
Tỏ ra thành khẩn, tại phiên tòa sơ thẩm, Phan Sào Nam từng trả lời thẩm vấn của luật sư:
Trong cả 2 giai đoạn, bản thân cá nhân bị cáo được hưởng lợi từ tiền phạm tội mà có là bao nhiêu tiền?
– Bị cáo được CQĐT cho xem lại chứng từ trong hồ sơ, chốt lại được hơn 1.475 tỷ đồng, chủ yếu lưu giữ dạng tiền mặt.
Bị cáo dùng tiền vào việc gì?
– Một số tiền bị cáo nhờ người thân và bạn bè cất giữ hộ, một số dùng để góp vốn ở lĩnh vực kinh doanh khác, một số đầu tư vào bất động sản. Bị cáo chuyển cho dì hơn 236 tỷ đồng, nhờ dì cất giữ hộ, sau đó nhờ dì đầu tư sinh lời giúp.
Còn số tiền 3,5 triệu đô của bị cáo ở ngân hàng của Singapore là nguồn tiền từ đâu?
– Là bị cáo cho bạn vay rồi bạn trả. Không có việc chuyển tiền ra nước ngoài. Tiền đó bị cáo lấy từ tiền lợi nhuận tổ chức đánh bạc.
Việc bị cáo khắc phục số tiền lớn đã tạo nhiều dư luận. Có người cho rằng anh còn có tới 10.000 tỷ đồng, người khác lại đồn anh bị ép buộc nên phải nộp tiền. Cũng có người nói anh có vấn đề về thần kinh. Vậy anh nói gì về điều này?
– Nếu để khắc phục ngay đối với người khác thì khó vì đó là số tiền lớn. Nhưng với bị cáo, chỉ trong vòng 1 tháng, bị cáo đã chủ động xin báo cáo trực tiếp với lãnh đạo CQĐT về số tiền này để thu hồi.
|
Đề nghị hủy 2 quyết định giảm án tù cho Phan Sào Nam
VKSND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng 2 quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho Phan Sào Nam là không có căn cứ, cần phải hủy bỏ.
T.Nhung