Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) hiện đang được huyện Yên Lập
chỉ đạo triển khai thực hiện và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần khai
thác tiềm năng của địa phương, nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản, phát triển
kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Sản phẩm cao cà gai leo của HTX dược liệu Ngọc Lập đang được hoàn thiện các thủ tục để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Theo kết quả đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020, huyện có sản phẩm gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung của HTX sản xuất gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung và kinh doanh dịch vụ tổng hợp đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hạng ba sao. Năm 2021, huyện có bốn sản phẩm đăng ký Chương trình OCOP gồm: Các sản phẩm từ tinh dầu quế của HTX sản xuất và chế biến nông lâm nghiệp Trung Sơn; tinh bột nghệ đỏ của tổ/nhóm phụ nữ liên kết phát triển kinh tế khu Mít, thị trấn Yên Lập; cà gai leo của HTX dược liệu Ngọc Lập; bưởi quả Xuân Thủy của HTX bưởi Xuân Thủy.
Nhiều năm qua, tỉnh và huyện đã có nhiều chính sách phát triển các sản phẩm lợi thế, đó là điều kiện thuận lợi để huyện triển khai Chương trình OCOP. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện tập trung đẩy mạnh phát triển bền vững các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của huyện. Qua đó, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh theo hướng mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; sản xuất theo chuỗi liên kết. Giai đoạn 2021-2025, huyện dự kiến xây dựng 19 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó nhiều sản phẩm lợi thế của huyện như: Bưởi Diễn, chè xanh, sản phẩm từ cây quế, măng gầy, sản phẩm từ cây dược liệu.
Điều đáng ghi nhận, khi được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP, các HTX, hộ dân đều có ý thức sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn, dần thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn và xây dựng liên kết.
HTX sản xuất và chế biến nông lâm nghiệp Trung Sơn chuyên sản xuất các sản phẩm từ tinh dầu quế như: Nước quế rửa chén sinh học, dầu gội thảo dược, nước quế rửa tay, nước quế lau sàn sinh học đang hoàn thiện các thủ tục để xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ông Nguyễn Duy Hưng – Giám đốc HTX cho biết: Quế là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, là sản phẩm đặc trưng ở Yên Lập. Sản phẩm từ tinh dầu quế của HTX mong muốn khai thác được tiềm năng nguồn nguyên liệu, mang dấu ấn, bản sắc địa phương. Sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao đạt được in, dán trên bao bì sản phẩm sẽ là lợi thế để quảng bá sản phẩm ra thị trường, tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Bà Đinh Thị Thúy Hường – Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Tham gia OCOP sẽ giúp các doanh nghiệp, HTX tiếp cận với phương thức sản xuất, quản lý kinh doanh khoa học, khuyến khích sáng tạo, cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, thúc đẩy chế biến sâu, làm đa dạng hóa và gia tăng giá trị hàng hóa nông sản. Triển khai Chương trình OCOP đã tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể, nhất là các HTX, doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất, quảng bá, phát triển thị trường. Đồng thời góp phần quan trọng thay đổi nếp nghĩ, cách làm truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm. Trong quá trình thực hiện, huyện tích cực tuyên truyền, vận động các chủ thể sản xuất thực hiện đúng các quy định; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sản phẩm trên địa bàn phong phú, đa dạng nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở dạng thô nên giá trị kinh tế chưa cao. Thời gian tới, huyện tiếp tục phổ biến rộng rãi nội dung, chu trình, bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm. Cùng với đó, tiếp tục khuyến khích, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh đối với các HTX, doanh nghiệp có điều kiện và năng lực, đưa vào sản xuất các sản phẩm mới trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm, khai thác tối đa điều kiện đất đai, cơ sở vật chất, nhân lực theo nhu cầu thị trường. Củng cố chuỗi giá trị hiện có gắn với phát triển các sản phẩm OCOP; xây dựng và triển khai các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm khai thác thế mạnh của nông nghiệp, nông thôn huyện gắn với phát triển kinh tế các xã.
Nguyễn Huế (Nguồn: baophutho.vn)