Liên quan đến việc hàng nghìn tấn lưu huỳnh lộ thiên ven sông Lô tại cảng Việt Trì, chiều 3/4, trả lời PV VietNamNet, Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) Lê Minh Đạo cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin đã yêu cầu đơn vị kiểm tra, báo cáo.
Theo đó, cảng Việt Trì có chức năng tiếp nhận, bốc dỡ, hàng hoá nguy hiểm trong đó có hoá chất. Trước đây cảng Việt Trì cũng đã tiếp nhận lưu huỳnh. Đối với tàu vận chuyển lưu huỳnh từ Hải Phòng đi Lào Cai cũng có giấy phép vận chuyển.
“Đây là chuyến tàu gặp sự cố, không nằm trong kế hoạch ghé cảng Việt Trì. Theo như cảng vụ báo cáo, số lưu huỳnh này không có trong kế hoạch tiếp nhận nhưng do phương tiện vận tải gặp sự cố, không để chìm phương tiện, chìm lưu huỳnh xuống nước nên phải bốc lên cảng Việt Trì.
Phương án vào cảng Việt Trì chỉ là phương án khẩn cấp. Theo báo cáo tàu vào và bốc hàng lên vào ngày 18/3, cuối tháng 3 số lưu huỳnh đã được đưa đi hết”, ông Đạo thông tin.
Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cho rằng, trong 10 ngày cảng đã thu xếp được phương án bốc dỡ, vận chuyển 2.000 tấn đi cũng khá vất vả.
Trả lời câu hỏi lưu huỳnh có được để lộ thiên như thế hay không? trách nhiệm của cảng như thế nào?, ông Đạo cho biết, về nguyên tắc lưu huỳnh để lộ thiên là không đúng so với quy định về môi trường, trong đó có quy định về lưu giữ.
“Nhưng theo báo cáo đây là phương án khẩn cấp nên để ngoài bãi cảng để bốc dỡ đi ngay. Trong quá trình bốc dỡ không thể nào vừa che đậy vừa bốc dỡ được. Lưu huỳnh hở ra (lộ thiên- PV) là thời điểm bốc lên cảng và dỡ đi. Còn nếu tàu vào cảng theo kế hoạch thì loại hàng đó sẽ được đưa vào trong kho kín, ít khi để ở ngoài bãi”, ông Đạo nói.
Trong tình huống này, Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cho rằng: “Không có doanh nghiệp nào cố tình vi phạm, các phương án đưa ra ở tình huống đột xuất, sự cố mà thôi. Cảng vụ đã làm đầy đủ thủ tục theo yêu cầu, nhưng do tình huống không nằm trong kế hoạch nên có thể trong lúc thực hiện gấp rút có những cái chưa chuẩn”.
Theo ông, về nguyên tắc khắc phục những sự cố này phải giải quyết càng sớm càng tốt. Trong trường hợp không có kế hoạch vận chuyển đi ngay thì phải thực hiện quy trình lưu kho, lưu bãi theo đúng quy định.
“Nếu thực hiện không đúng sẽ bị phạt. Mà thời gian lưu kho, lưu bãi chủ hàng cũng phải mất tiền nên tôi nghĩ doanh nghiệp cũng không hứng thú việc để hàng ở cảng lâu”, ông Đạo nhấn mạnh.
Được biết, quá trình vận chuyển lưu huỳnh nói riêng, hoá chất nói chung được ban hành bởi nghị định của Chính phủ do Bộ TN&MT chủ trì soạn thảo. Trong đó quy định rõ về che phủ, bảo quản, lưu trữ để đảm bảo đến môi trường.
Chi cục, Cục Đường thuỷ nội địa theo chức năng quản lý nhà nước sẽ xử lý, lập biên bản xử phạt những vi phạm về an toàn giao thông đường thuỷ (giấy phép vận chuyển, tải trọng…)
“Với những vấn đề liên quan đến môi trường, phòng cháy, nếu phát hiện sai phạm chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở hoặc báo cơ quan chuyên ngành (cảnh sát môi trường, PCCC…) mà không có chức năng trực tiếp xử phạt”, ông Đạo thông tin.
Trước đó, sau phản ánh của VietNamNet vào sáng 29/3, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Phú Thọ kiểm tra thực địa tại cảng Việt Trì.
Bước đầu, đoàn kiểm tra xác định việc tập kết lộ thiên lưu huỳnh tại cảng Việt Trì là sai quy định, đơn vị tập kết chưa có các biện pháp nhằm ngăn ngừa ô nhiễm, an toàn phòng cháy, chữa cháy…
Khi đoàn kiểm tra vào cuộc làm việc, cảng Việt Trì đã tổ chức nhiều biện pháp nhằm khắc phục ngay những tồn tại. Ngay sau đó, Bộ TN&MT cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc kiểm tra.