Liên kết trồng ớt xuất khẩu, lợi đủ đường
Trên cánh đồng ớt trải dài, nông dân xã Minh Tân (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đang bước vào thu hoạch ớt. Rộn ràng, phấn khởi, vui vẻ là tâm trạng chung của 30 hộ nông dân tham gia trồng ớt xuất khẩu do UBND xã Minh Tân và công ty Đức Lộc (trụ sở ở Hải Dương) phối hợp thực hiện.
Triển khai trồng ớt xuất khẩu, 30 hộ nông dân đã hăng hái tham gia trên diện tích 6,7 ha. Giống ớt trồng là ớt F120 do công ty Đức Lộc cung cấp. Thời gian trồng ớt xuất khẩu vụ đông năm 2022 bắt đầu từ tháng 9, dự kiến thu hoạch kết thúc vào tháng 4/2023.
Đến nay, sau hơn 5 tháng trồng, cây ớt đã không phụ công người. Giống ớt F120 xuất khẩu cho năng suất cao, mẫu mã quả đẹp, trung bình quả ớt dài hơn 10cm, đường kính 1-1,3cm, thịt quả dày, ít bị thối.
Vui mừng hơn là giống cây ớt F120 mang lại nguồn thu liên tục cho bà con khi cây ớt cho thu hoạch thành nhiều đợt. Theo đó, từ khi trồng đến khi thu hoạch, hái ớt quả lần đầu là 60 ngày. Sau đó cứ cách 10 ngày, bà con lại được thu hái ớt 1 lần nữa. Bà con nông dân càng yên tâm hơn là đầu ra sản phẩm ớt thương phẩm luôn được công ty Đức Lộc thu mua đảm bảo giá cả.
Theo UBND xã Minh Tân, tổng sản lượng ớt dự kiến thu được vụ này là hơn 240 tấn. Sau thời gian đầu thu hoạch cây ớt đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, năng suất ớt trung bình đạt 1,2-1,5 tấn/sào. Với giá ớt loại 1 là 8.000 đồng/kg, loại 2 là 4.000 đồng/kg, cho thu lãi từ 7-8 triệu đồng/sào. Tính ra, người nông dân trồng ớt sẽ lãi gấp 4-5 lần so với cây trồng cây truyền thống khác.
Ngoài ra, các hộ dân tham gia trồng ớt xuất khẩu còn được hỗ trợ 20 triệu đồng/ha theo Nghị quyết số 08/NQ-HU của Huyện ủy Cẩm Khê về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững giai đoạn 2021-2025.
Thành lập tổ liên kết sản xuất trồng ớt
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, Tổ liên kết sản xuất trồng ớt Minh Tiến ở xã Hùng Việt (huyện Cẩm Khê) thành lập và mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích trồng hoa màu sang trồng ớt xuất khẩu.
Đây là mô hình liên kết nhằm thay đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất chất lượng, thu nhập cho người nông dân và đảm bảo phát triển nông nghiệp ổn định, bền vững. Đặc biệt, vụ đông 2022, tổ liên kết đã phối hợp với công ty GOC (trụ sở ở Bắc Giang) vận động, khuyến khích người dân đưa cây ớt Zopezo vào trồng, để phục vụ xuất khẩu sang Mỹ.
Triển khai mô hình liên kết, công ty GOC đã ký hợp đồng cam kết hỗ trợ, cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hộ dân tham gia. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình cũng được tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về quy trình kỹ thuật như chuẩn bị đất, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây ớt… trước khi tiến hành gieo trồng.
Anh Phạm Văn Mùi là Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất trồng ớt Minh Tiến, cũng là hộ gia đình đi đầu trong mô hình trồng ớt xuất khẩu cho biết, lúc đầu khi mới quyết định tham gia trồng cũng khá e ngại vì không biết trồng ra sao, kỹ thuật trồng ớt, cách phòng trừ sâu bệnh thế nào và liệu cây ớt có thích nghi với đồng đất địa phương hay không…
Tuy nhiên, sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và được sự hướng dẫn của công ty GOC, mọi người đều nhận thấy đây là giống cây mới, phù hợp với chất đất ở địa phương, đầu ra của sản phẩm ổn định nên quyết định chuyển đổi diện tích trồng màu trước đây sang trồng ớt.
Một trong những lí do khiến anh Mùi và nhiều hộ gia đình trồng ớt ở Minh Tiến yên tâm sản xuất chính là dưới sự hỗ trợ của công ty GOC, các sản phẩm ớt của người trồng sẽ được trợ giá, giúp người nông dân sản xuất ổn định, tránh trường hợp được mùa mất giá.
Anh Mùi cũng cho biết, trồng ớt đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao hơn trồng lúa và cây hoa màu khác. Chính vì vậy trong quá trình chăm sóc cần phải chú ý để phòng ngừa bệnh cho cây, đồng thời chú ý thời gian để làm giàn khi cây lớn, tránh để cây bị gẫy, dập. Tuy nhiên, do được công ty hướng dẫn về kỹ thuật và được hỗ trợ cây giống, bón phân, phun thuốc cho đến khi thu hoạch nên người trồng ớt cũng yên tâm.
Ưu điểm của giống ớt này là cây công nghiệp phù hợp với nhiều loại đất, khai thác bền. Cụ thể, sau khi trồng và chăm sóc từ 70-80 ngày, cây ớt bắt đầu cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch ớt kéo dài hơn 3 tháng, mỗi tháng thu hái 3-4 đợt. Khi ớt được thu hoạch, công ty sẽ đến tận hộ gia đình thu mua, sau đó sẽ tiến hành sơ chế, bảo quản và xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
“Giống ớt này rất khỏe, ít sâu bệnh. Sản phẩm khi thu hoạch phải đảm bảo yêu cầu không thối nhũn và không bị sâu. Năng suất ớt trung bình đạt 1,2 tấn quả/sào. Với giá bán 7.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí giống, công chăm sóc, màng phủ mỗi sào ớt cho thu lãi hơn 5 triệu đồng/sào. Dự kiến, vụ ớt đông này, gia đình tôi sẽ thu lãi trên 200 triệu đồng. So với trồng lúa, cây hoa màu khác, trồng ớt Zopezo xuất khẩu giúp gia đình tôi thu lãi nhiều hơn 2-3 lần”, anh Mùi nói.
Thời điểm hiện tại, các hộ nông dân trồng ớt ở huyện Cẩm Khê đang tập trung thu hoạch ớt vụ đông để kịp xuất khẩu. Thành công của mô hình là minh chứng cho hướng đi đúng đắn của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như hiệu quả của liên kết trong sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.
“Lúc đầu khi mới tham gia cũng khá e ngại vì không hiểu phải trồng ra sao, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh thế nào và liệu có thích nghi với đồng đất địa phương hay không… Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và được sự hướng dẫn của công ty GOC, mọi người đều nhận thấy đây là giống cây mới, phù hợp với chất đất ở địa phương, đầu ra của sản phẩm ổn định nên quyết định chuyển đổi diện tích trồng màu trước đây sang trồng ớt”, anh Phạm Văn Mùi tâm sự.