– Nhiều tháng qua, tình trạng xe chở cao lanh lậu oanh tạc khắp các trục đường liên xã tại Thanh Thủy (Phú Thọ).
Trao đổi với VietNamNet, trưởng công an xã Đào Xá Nguyễn Quốc Đoàn cho hay, thực trạng khai thác cao lanh trái phép bắt đầu rầm rộ từ tháng 4/2017.
Tình trạng này được bắt đầu khi gia đình ông Dương Văn Bình (xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy) có đơn ra xã xin “hạ cốt” khu vực đất đồi của gia đình để lấy đất làm nhà ở.
Những núi “vàng trắng” nhức nhối ở Thanh Thủy, Phú Thọ |
Cụ thể, gia đình ông Bình xin “hạ độ cao” khu vực đồi sát nhà để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Chính quyền Đào Xá chấp thuận cho gia đình ông được “hạ cốt” theo nội dung ghi trong đơn là 300m2.
“Tuy nhiên, trong quá trình hạ cốt, gia đình ông Bình đã múc vượt giới hạn cho phép, xã đã 3 lần vào lập biên bản, đình chỉ thi công và đang kiến nghị lên cấp trên để xử lý” – ông Đoàn thông tin.
Đây mới chỉ là “phần nổi” trong kế hoạch xẻ đồi múc cao lanh đem bán của nhiều hộ dân trên địa bàn Thanh Thủy thời gian qua.
Chủ tịch xã Đào Xá Lê Anh Đoàn thông tin một cách cẩn trọng: “Nhu cầu chính đáng của người dân nên chúng tôi xin ý kiến huyện để cấp giấy phép hạ cốt nền cho gia đình ông Bình. Thế nhưng, quá trình đào đất, gia đình ông Bình phát hiện một chất ‘màu trắng’ nằm trong khu vực đồi nhà mình”.
Để khai thác cao lanh trái phép, chính quyền sở tại đã “tiếp tay” cho các hộ dân bằng việc cấp phép “hạ cốt đồi đất” để phục vụ sản xuất, nhưng thực chất là để múc cao lanh đem bán. |
Từ thời điểm xã lập biên bản đến nay, gia đình ông Bình vẫn tiếp tục “hạ cốt” và hàng ngày những xe chở cao lanh vẫn nối đuôi nhau múc cao lanh ra khỏi khu đồi.
“Vàng trắng” nghênh ngang di chuyển
Chiều 27/7, chúng tôi được tiếp cận “công trường” khai thác cao lanh trái phép đang diễn ra tại điểm nóng – khu 17, xã Đào Xá.
Khu vực gia đình ông Bình – Châm xin “hạ cốt” nằm bên phải đường tỉnh lộ 316, cách trung tâm uỷ ban xã Đào Xá chừng 5km.
Thời điểm chúng tôi có mặt, 3 chiếc máy xúc đang làm việc. Những chiếc xe tải trọng nhỏ dưới 4 tấn dường như phát huy hết công năng vì phù hợp với địa hình đường thôn xóm, đường đồi nhỏ hẹp. Cao lanh đổ ngập nóc xe, kĩu kịt đi ra khỏi nhà dân về nơi tập kết.
Vì quãng đường từ nơi khai thác đến nơi tập kết ngắn, chừng vài km, nên chủ xe “nghênh ngang” không dùng phông bạt để trùm mui. Nhưng, khốn khổ cho người dân sở tại, dưới thời tiết khô nắng và hàng trăm lượt xe quần đi quần lại mỗi ngày…
Đồi trồng cây của gia đình ông Dương Văn Bình, khu 17 đã múc cao lanh khoét sâu vào giữa lòng đồi |
Từ “công trường”, những chiếc xe tải với biển số đủ các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Bắc Ninh… làm nhiệm vụ cõng cao lanh từ các điểm đồi, mẫn cán như những con kiến nhỏ bé tha đồ ăn quá sức để dành cho những ngày mưa gió.
Tại khu 17 xã Đào Xá có khoảng 20 đầu xe tải chở thuê cao lanh. Đội máy xúc chừng chục chiếc cũng được dân bản địa đầu tư để kinh doanh.
Thanh Thủy, Thanh Sơn là hai huyện tập trung trữ lượng cao lanh lớn của tỉnh Phú Thọ. Cao lanh ở Đào Xá (Thanh Thủy) dễ khai thác
Những quả đồi bát úp tròn trịa ở Đào Xá đều là những mỏ cao lanh lộ thiên. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng có thể dỡ đồi xúc cao lanh đem bán.
Đường đi của cao lanh
Thời điểm hiện tại, ở Thanh Thủy có 3 đơn vị được cấp phép khai thác cao lanh, trong đó hai đơn vị đã hết hạn khai thác đang làm thủ tục gia hạn. Đơn vị duy nhất đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến cao lanh.
Cao lanh được bán thẳng luôn tới điểm thu mua với giá 500 ngàn đồng/xe. Việc khai thác, vận chuyển, mua bán trắng trợn giữa ban ngày đang khiến tài nguyên bị chảy máu |
Theo tìm hiểu của VietNamNet, một xe cao lanh thô đào từ lòng đất lên, tùy theo độ trắng, chất lượng cao lanh… mà giá cả khác nhau. Trung bình, một xe cao lanh tải trọng 3-4 tấn đang hoạt động tại Đào Xá được bán ở mức giá 500 ngàn đồng. Tiền thuê xe từ điểm khai thác ra điểm tập kết, quãng đường vài ba km được trả mức giá từ 80-160 ngàn đồng/lượt. Đối với xe chở đất thải (lớp đất bề mặt bóc ra để lấy cao lanh) có mức giá 50-100 ngàn đồng.
Cao lanh được đóng vào bao tải, sau đó được đưa lên xe tải trọng lớn mang đi, trưởng công an xã Đào Xá Nguyễn Quốc Đoàn cho biết, sẽ xuất vào miền Nam theo đường sông.
Phản ứng yếu ớt, cao lanh vẫn “chảy máu”
“Thẩm quyền của công an xã rất nhỏ. Chúng tôi chỉ có quyền xử phạt những sai phạm có giá trị kinh tế ở mức dưới 2 triệu đồng. Chủ tịch xã chỉ được xử lý những vụ việc mà giá trị tài sản dưới 5 triệu đồng, do đó chúng tôi không thể xử lý các điểm khai thác có máy xúc hay các phương tiện chở cao lanh thuê” – ông Đoàn xác nhận.
Những chiếc xe chở cao lanh trái phép ở Thanh Thủy, Phú Thọ |
Trưởng công an Đào Xá cũng cho hay, “ăn theo” tình trạng khai thác cao lanh trái phép, rất nhiều hộ dân ở địa phương đã đầu tư mua xe tải về chạy hàng thuê. Giá trị một chiếc xe này từ 80-100 triệu đồng, do đa phần xe đã quá cũ, và được thu mua ở khắp các tỉnh. “Đó là lý do có rất nhiều biển số xe ngoại tỉnh chờ cao lanh hàng ngày ở Đào Xá, nhưng không phải người ngoại tỉnh lái mà là người dân địa phương”.
Theo ông Đoàn, trong số những người lạ mặt về địa phương khai thác cao lanh, có 2 người đến trình báo tạm trú, còn lại họ hoạt động ban ngày, ban đêm rút đi nơi khác.
“Hơn một tháng trước, chúng tôi đã báo lên huyện về việc một đơn vị khai thác cao lanh trái phép. Huyện, tỉnh đã về lập biên bản xử lý và phạt mức tiền hơn 1 tỷ đồng, tịch thu tang vật (xe và máy xúc) và tiến hành đấu giá. Đơn vị này từ Sơn La xuống Đào Xá khai thác cao lanh trái phép” – ông Đoàn cho hay.
Tuy nhiên, đơn vị khai thác trái phép bị xử lý là người ngoại tỉnh. Rất nhiều điểm khai thác, thu gom cao lanh trái phép vẫn hoạt động bất chấp sự phản ứng yếu ớt của chính quyền sở tại.
Không để dân đơn độc chống cát tặc
Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Mặt trận phải vào cuộc, không để người dân đơn độc chiến đấu với cát tặc”.
Chủ tịch tỉnh, TP phải tuyên bố chống ‘cát tặc’
Chủ tịch tỉnh, TP phải có chương trình hành động cụ thể đối với tình trạng khai thác cát trái phép, coi đây là tiêu chí để đánh giá việc thực hiện nghị quyết TƯ 4.
Kiên Trung