Ngày 19/7, bác sĩ Nguyễn Văn Sơn – Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ -, cho biết người bệnh nhập viện trong tình trạng liệt nửa người trái, đại tiểu tiện không tự chủ, méo miệng nói khó, nôn nhiều. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân xuất huyết não, phù não, nguy kịch.
Theo bác sĩ, bệnh nhân bị tăng huyết áp kết hợp với yếu tố thuận lợi là trời nắng nóng, làm khởi phát đột quỵ. Kết quả CT loại trừ nguyên nhân dị dạng mạch máu.
Đột quỵ, hay tai biến mạch máu não là tình trạng một phần não bị tổn thương đột ngột, do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn (nhồi máu) hoặc vỡ (xuất huyết). Đột quỵ do xuất huyết não chiếm 15-20% trong số người đột quỵ. Nguyên nhân chủ yếu là tăng huyết áp, vỡ dị dạng bất thường mạch máu não, rối loạn chức năng đông máu, bệnh thoái hóa dạng tinh bột, ung thư và các nguyên nhân khác.
Sau hội chẩn, kíp phẫu thuật mở sọ não, loại bỏ một lượng máu tụ, giải phóng chèn ép não. “Tuy nhiên, trường hợp này yêu cầu đường mổ lớn, nguy cơ biến chứng sau mổ phức tạp. Người bệnh cần được chăm sóc, phục hồi chức năng trong thời gian dài”, bác sĩ nói.
Sau ba tiếng phẫu thuật, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch.
Gần đây, thời tiết các tỉnh phía Bắc nóng đỉnh điểm, các bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân xuất huyết não, viêm phổi, tăng gấp hai đến ba lần ngày thường. “Có trường hợp thường xuyên uống thuốc kiểm soát bệnh nền, song vẫn bị xuất huyết não chỉ sau khi đi nắng”, bác sĩ Trần Đình Thắng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, nói.
Đột quỵ xuất huyết não, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thậm chí là trên người không có tiền căn bệnh lý trước đó. Bệnh thường gặp ở nhóm người bệnh lớn tuổi, có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường kèm thêm thời tiết nắng nóng là yếu tố nguy cơ dẫn đến tai biến.
Các dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ là liệt nửa người (biểu hiện giơ hai tay bằng vai, một tay sẽ bị rơi xuống); liệt dây thần kinh số 7 (méo miệng khi làm động tác nhe răng hoặc cười); rối loạn ngôn ngữ, hiểu được lời nói mà không diễn đạt được hoặc không hiểu lời người khác, mất trí nhớ đột ngột (quên tên người thân), không phân biệt được những điều xảy ra xung quanh…
Để phòng ngừa đột quỵ mùa hè, bác sĩ khuyên người dân chủ động theo dõi thời tiết để lên kế hoạch hoạt động phù hợp. Người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, hoặc đã từng đột quỵ cần tuân thủ uống thuốc, kiểm soát huyết áp đúng hướng dẫn của bác sĩ, hạn chế ra ngoài từ 10 đến 16 giờ.
Trong điều kiện nắng nóng bất thường, người dân cần chú ý đến tập luyện và lao động, tránh hoạt động quá sức hay ở ngoài trời nắng quá lâu. Nếu ra ngoài, mọi người cần mặc quần áo dài và đội mũ rộng vành để bảo vệ da khỏi ánh nắng. Không đột ngột di chuyển từ phòng điều hòa ra ngoài nắng ngay hoặc ngược lại, khiến cơ thể bị sốc nhiệt. Uống nhiều nước, hoa quả, bổ sung điện giải, tăng đề kháng.
Khi thấy có các dấu hiệu như thân nhiệt tăng cao, tiết nhiều mồ hôi, tim đập nhanh, thở dốc, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu…, cần cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế ghi nhận mỗi năm ghi nhận thêm 200.000 ca đột quỵ, khoảng 50% trường hợp tử vong, nhiều người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh, vận động… Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, số lượng nam giới cao gấp bốn lần nữ giới. Trong đó, nhiều người bệnh không biết mình mang yếu tố nguy cơ, đến khi bị đột quỵ, đo huyết áp, thử đường huyết mới phát hiện.
Thùy An