Như VietNamNet đã phản ánh, tại khu vực ven sông Lô – vị trí giáp ranh giữa 2 phường Bến Gót và Bạch Hạc (TP. Việt Trì) hơn tuần qua xuất hiện bãi lưu huỳnh lớn, che chắn sơ sài.
Theo ông Đỗ Quang Tĩnh – Phó Giám đốc Cảng Việt Trì, đây là số lưu huỳnh được tập kết tạm do tàu chở hóa chất bị thủng. Quá trình tập kết công ty đã phun nước bề mặt nhằm đề phòng cháy nổ.
Ước tính lượng lưu huỳnh tập kết tại đây khoảng gần 2.000 tấn. Được biết, mỗi năm cảng Việt Trì tiếp nhận hàng trăm nghìn tấn lưu huỳnh. Số lưu huỳnh này chủ yếu chuyển đến nhà máy sản xuất lân trên địa bàn tỉnh và đưa đi tiêu thụ ở Lào Cai.
Không thể biện hộ, cần xử lý nghiêm
Trước sự việc trên, nhiều người đặt câu hỏi: Bãi lưu huỳnh lộ thiên với khối lượng “khủng” sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với sức khoẻ, môi trường xung quanh?
Trao đổi với PV VietNamNet, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, lưu huỳnh công nghiệp là hóa chất, phải tuân thủ các quy định trong quá trình vận chuyển, lưu kho bãi được quy định tại Quy chuẩn 05 của Bộ Công Thương về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất.
“Những quy định này nhằm hạn chế tối thiểu những sự cố hóa chất, sự cố môi trường trong quá trình lưu kho, vận chuyển và sản xuất. Ở các nước khác quy định rất rõ lưu huỳnh không được lộ thiên mà phải được cất giữ trong bồn kín. Trong quá trình vận chuyển, nhiệt độ, bao gói cũng được kiểm soát chặt chẽ”, TS. Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, các cơ sở vận chuyển, lưu trữ phải tuân thủ các quy định này, đặc biệt là khi vận chuyển lưu huỳnh với khối lượng lớn gần 2.000 tấn.
Ông Hoàng Dương Tùng không đồng tình với quan điểm cho rằng việc vận chuyển lưu huỳnh không độc hại nên “tập kết tạm thành bãi” cũng không nghiêm trọng. Theo ông, đó chỉ là cách biện hộ cho những hành động vi phạm quy định nhằm tiết kiệm chi phí.
Trước đây mấy năm, tình trạng vận chuyển lưu huỳnh lộ thiên từng xảy ra ở Hải Phòng. Thời điểm đó báo chí vào cuộc, đã có chuyển biến nhưng đến giờ việc này lại tái diễn. Vì vậy, ông Tùng đặt vấn đề: “Điều đáng ngạc nhiên là cả bãi lưu huỳnh lộ thiên như thế mà chính quyền không biết, chỉ đến khi báo chí phản ánh mới vào cuộc”.
“Thôi thì chậm còn hơn không. Tôi hy vọng các cơ quan chức năng xử lý cương quyết, xử lý nghiêm, có hình thức xử phạt thật nặng mới đủ sức răn đe, hạn chế tái diễn.
Khi vận chuyển hóa chất bắt buộc phải có những phương án phòng ngừa sự cố chứ không có chuyện để vất vưởng gần 2.000 tấn hóa chất như vậy. Cách giải thích của Cảng Việt Trì chỉ mang tính chất bao biện rồi sau đó để công nhân bốc vác, thu dọn bình thường như chưa từng có quy định về loại hóa chất này”, ông Tùng nêu quan điểm.
Hóa chất ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, môi trường
TS. Hoàng Dương Tùng cảnh báo, mọi người đang lầm tưởng rằng lưu huỳnh không độc hại. Thực chất lưu huỳnh vô cùng độc hại, khi ngấm vào nguồn nước, nó có thể gây nguy hiểm, gây ngộ độc và chết cho các sinh vật sống như tôm, cua, cá, ngao, sò,…. Hơn nữa, nếu con người ăn phải những sinh vật nhiễm lưu huỳnh thì cũng có nguy cơ bị nhiễm độc gián tiếp.
Ngoài ra, khi đốt lưu huỳnh ở nhiệt độ cao, khí SO2 sẽ được hình thành, gây ô nhiễm không khí. Đây cũng là một trong những tác nhân gây biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, mưa axit…
Trở lại với sự việc ở TP. Việt Trì, ông Tùng cho rằng, lưu huỳnh rất dễ cháy, sẽ gây ra tác hại khôn lường ảnh hưởng tới sức khoẻ và môi trường nếu cứ để lộ thiên.
“Lưu huỳnh khi đốt cháy sẽ sinh ra khí SO2, đây là khí độc. Chẳng may cả bãi lưu huỳnh lộ thiên ấy bị cháy sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mắt, tai, mũi, họng, gây khó thở cho người dân sống xung quanh”, ông Tùng cảnh báo.
Theo Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, việc để hàng nghìn tấn lưu huỳnh lộ thiên như thế chắc chắn sẽ có hiện tượng lưu huỳnh phát tán khắp nơi, gây hại cho mắt, hệ hô hấp của con người. Nhóm ảnh hưởng nhiều nhất là những công nhân đang làm công việc thu dọn, bốc xếp hàng nghìn tấn lưu huỳnh này.
Các chuyên gia cảnh báo, bụi lưu huỳnh hoặc khí SO2 khi xâm nhập vào phổi, tim, mắt, họng, tai… nhẹ thì gây ngạt mũi, đau đầu, nặng hơn có thể gây khó thở, viêm phế quản, thậm chí có thể khiến ngộ độc máu, tử vong. “Đây là những tác hại mà người dân, chính quyền và doanh nghiệp nên biết và không nên chủ quan”, TS. Hoàng Dương Tùng lưu ý.