Trên địa bàn huyện Phù Ninh hiện có nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển mạnh. Đến nay, đã có 6 làng nghề được UBND tỉnh công nhận đó là: Làng nghề Chè Chùa Tà xã Tiên Phú, làng nghề nuôi Rắn xóm Khuân Dậu xã Trung Giáp, làng nghề sản xuất bún bánh và dịch vụ xóm Chùa xã Phú Nham, làng nghề sản xuất nón lá xóm Rền xã Gia Thanh, làng nghề trồng hoa làng Thượng xã Tiên Du, làng nghề cây cảnh – dịch vụ An Mỹ xã Phú Lộc.
Các làng nghề trên địa bàn nông thôn của huyện Phù Ninh cơ bản hoạt động ổn định. Tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nông thôn. Tổng số lao động tham gia các làng nghề hiện nay là 2.146 người tham gia, trong đó số lao động thường xuyên 1.056 người. Tổng số doanh thu của các làng nghề đạt 13 tỷ/năm. Thu nhập bình quân của các làng nghề khoảng 2 triệu đến 3,5 triệu đồng/người/tháng, một số làng có mức thu nhập cao hơn như làng nghề chè Chùa Tà xã Tiên Phú đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề Chùa Tà có sản phẩm chè xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, các làng nghề khác chủ yếu phục vụ tại địa phương và các tỉnh bạn như: nón lá Gia Thanh, nuôi rắn, sinh vật cảnh, bún bánh. Các làng nghề truyền thống đã mang lại cho nhân dân địa phương nguồn thu nhập tương đối cao, phục vụ nhu cầu của nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt còn quảng bá các sản phẩm truyền thống của địa phương như nón lá Gia Thanh, chè Chùa Tà Tiên Phú, bún bánh xã Phú Nham.
Du khách tham quan làng nghề làm nón lá Gia Thanh
Phát triển làng nghề truyền thống của địa phương đã phát huy tối đa nội lực của nhân dân, tạo việc làm tại chỗ, gắn với giữ gìn các phong tục tập quán, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần gắn kết các địa phương có truyền thống từ lâu đời, tạo cơ hội cùng nhau phát triển. Các làng nghề đều duy trì tốt các quy định của làng nghề và địa phương, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, phát huy lợi thế của địa phương, mở rộng thị trường, vận động người dân chấp hành tốt các chủ chương chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo an toàn trong lao động. Phương pháp sản xuất thủ công truyền thống đã góp phần bảo vệ môi trường sinh thái không bị ô nhiễm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tiếp thu các phương pháp khoa học tiên tiến áp dụng các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, phát huy vai trò tự chủ của từng làng nghề gắn với truyền thống quê hương, một số làng nghề như chè Chùa Tà (Tiên Phú), bún bánh (xã Phú Nham) đã hiện đại hóa, đưa các trang bị máy móc để giảm bớt sức lao động. Tăng năng xuất sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế có thu nhập cao.
Một số sản phẩm như nón lá Gia Thanh, hoa xã Tiên Du đã đưa các sản phẩm mẫu mã tốt, độc đáo mang bản sắc văn hóa Việt, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Sản phẩm chè Chùa Tà đã đăng ký thương hiệu, được thị trường trong nước và nước ngoài đón nhận. Do vậy, trong những năm qua, các làng nghề vẫn giữ được các tiêu chí tăng về số hộ tham gia và chất lượng sản phẩm.
Trong thời gian tới, huyện xác định tiếp tục quan tâm duy trì, phát triển làng nghề truyền thống, phấn đấu thêm các làng nghề tiềm năng được công nhận như: gà đồi Liên Hoa, cá thính Tử Đà, đồ mộc Phú Lộc… Từ đó, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông thôn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Phát triển nghề và làng nghề các địa phương trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; đồng thời chọn lọc, lựa chọn phát triển các ngành nghề và làng nghề của các địa phương có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương và gắn với việc bảo vệ môi trường, đồng thời quan tâm bảo tồn một số làng nghề gắn với phát triển dịch vụ du lịch.
Bài và ảnh Thanh Hằng