Sau 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Thanh Ba đã đạt được kết quả tiến bộ. Trong tổng số 26 xã toàn huyện, có 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 3 xã đã hoàn thành mọi tiêu chí đang đề nghị UBND tỉnh công nhận; 13 xã còn lại đã đạt từ 11 đến 15 tiêu chí; có 125/244 khu dân cư đạt chuẩn NTM…
Đồi chè sản xuất theo hướng VietGAP của hộ ông Nguyễn Đức Chiến ở khu 1, xã Vân Lĩnh mang lại hiệu quả cao, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.
Những năm đầu triển khai Chương trình, huyện chọn xã Đông Thành làm điểm xây dựng NTM và được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2014. Rút kinh nghiệm từ công tác chỉ đạo và thực hiện tại xã điểm Đông Thành, từ năm 2015 đến năm 2016, huyện có thêm 3 xã Lương Lỗ, Chí Tiên và Đỗ Xuyên đạt chuẩn NTM. Giai đoạn 2016 – 2018, huyện có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm Ninh Dân, Đồng Xuân, Vũ Yển, Hoàng Cương, Thanh Hà, Vân Lĩnh, tổng huy động nguồn lực từ các nguồn vốn ước đạt trên 1.040 tỷ đồng, trên địa bàn huyện cơ bản không còn nợ đọng trong xây dựng NTM; thông qua các chương trình dự án đã giải quyết việc làm cho trên 4.000 người, xuất khẩu trên 2.000 lao động, đào tạo nghề cho hàng chục nghìn lao động trên địa bàn…
Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế nhưng huyện đã tranh thủ sự đầu tư hỗ trợ xây dựng hạ tầng nông thôn, đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp nên đã huy động được nhiều sự tham gia của người dân và cộng đồng. Bên cạnh đó, các chương trình triển khai trên địa bàn như Chương trình 135, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, người nghèo, nước sạch VSMT; nhiều dự án sản xuất, nâng cao hiệu quả của các HTX được hỗ trợ trực tiếp từ nguồn vốn chương trình xây dựng NTM, tổ chức được hàng trăm mô hình tập huấn chuyển giao KHKT, khuyến nông, hỗ trợ cây, con giống; hỗ trợ phát triển cơ giới hóa với hàng nghìn máy làm đất, máy phun thuốc trừ sâu, máy gặt, máy bơm nước các loại… cho các hộ, nhóm hộ và HTX tham gia hưởng lợi, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM và hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, đến nay có trên 80% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa, trên 95% khu dân cư văn hóa, 100% khu dân cư có nhà văn hóa. Việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia, phát triển giáo dục và đào tạo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục gắn với mục tiêu xây dựng NTM. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 90%. Mỗi năm tỷ lệ giảm nghèo đạt từ 2,2% trở lên; xây dựng mới được hàng nghìn ngôi nhà cho hộ nghèo và gia đình chính sách…
Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Chủ tịch UBND xã Vân Lĩnh, năm 2011 qua rà soát, xã mới đạt 3/19 tiêu chí. Những năm qua, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình xây dựng NTM, xã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân được học nghề nông thôn, phát triển sản xuất… phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở, từ đó mang lại chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội; điện, đường, trường, trạm, từng bước được đầu tư, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đến nay, Vân Lĩnh có 5/5 khu dân cư văn hóa cấp huyện, 4/5 khu dân cư văn hóa NTM cấp tỉnh, 100% số khu có đầy đủ phương tiện phục vụ cho các hoạt động văn hóa; y tế, giáo dục luôn được chú trọng, chính sách an sinh xã hội luôn đảm bảo, Bình quân thu nhập đầu người năm 2018 đạt trên 30 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,1%, được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Theo ông Hà Anh Tuấn – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, năm 2019, huyện phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã cơ bản đạt chuẩn với 15 tiêu chí trở lên, các xã còn lại tăng từ 1 – 2 tiêu chí/xã.
Để thực hiện mục tiêu này, huyện Thanh Ba tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thay đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, nông sản sạch; hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cho người dân…; đồng thời, tiếp tục dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, phát triển mạnh công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, hoạt động thương mại – dịch vụ; tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn về đường giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin truyền thông, thương mại, nhà ở dân cư, theo tiêu chí văn minh, lịch sự… bảo đảm lộ trình xây dựng NTM theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra.
Nguồn: baophutho.vn