Mưa lớn, lũ ống gây thiệt hại nặng
Thống kê ban đầu, ngày 8/9, trên địa bàn huyện Tân Sơn, Thanh Sơn có nhiều điểm ngập úng cục bộ; nhiều tràn, ngầm bị ngập sâu; nhiều điểm sạt lở khiến cho hệ thống giao thông bị chia cắt, một số hộ dân tại các xã bị ngập úng phải di chuyển người, tài sản; một diện tích lớn hoa màu bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng.
Trong đó, huyện miền núi Thanh Sơn thiệt hại lớn nhất, hơn 1,2 tỷ đồng. Cụ thể, hơn 42 hộ phải di dời do ngập úng nặng, sạt lở taluy, sạt lở bờ sông; hơn 50m tường rào Trạm y tế xã Thượng Cửu bị đổ; đường giao thông bị sạt lở, chia cắt tại đoạn đường tỉnh lộ 316D thuộc xã Yên Sơn đi khu Chen, Chự, Hồ; hơn 140ha lúa bị ngập úng.
Tại huyện Tân Sơn, nhiều điểm ngập úng cục bộ, nhiều tràn, ngầm bị ngập sâu, nhiều điểm sạt lở khiến hệ thống giao thông bị chia cắt. Bên cạnh đó, một số hộ dân tại các xã bị ngập úng phải di chuyển người, tài sản. Nhiều diện tích hoa màu ngập úng và gia súc bị lũ cuốn trôi.
Ngay chiều 8/9, ông Nguyễn Xuân Toản, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn đã đi kiểm tra thực tế tình hình mưa lũ trên địa bàn huyện.
Qua kiểm tra thực tế, lãnh đạo huyện Tân Sơn đã chỉ đạo các xã triển khai lực lượng kiểm tra các khu dân cư có nguy cơ sạt lở để tổ chức di dời đến nơi an toàn; chủ động lên phương án di dời học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất đến nơi an toàn khi mưa lớn; khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở, khơi thông các cống rãnh và triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông, nhất là qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.
Gấp rút khắc phục hậu quả do mưa lớn, lũ ống
Trước ảnh hưởng của mưa lớn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ ban hành Văn bản số 41/BCH-VPTT về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc sét, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.
Theo đó, các huyện, lực lượng chức năng khẩn trương kiểm tra các khu dân cư có nguy cơ sạt lở để tổ chức di dời đến nơi an toàn. Thường xuyên cập nhật, chuyển tải thông tin, diễn biến tình hình mưa lũ đến nhân dân.
Chỉ đạo các trường học trên địa bàn chủ động lên phương án di dời học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất đến nơi an toàn khi mưa lớn tiếp tục xảy ra.
Chủ động khẩn trương huy động lực lượng và phối hợp khắc phục các điểm sạt lở, khơi thông các cống rãnh và triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông, nhất là qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.
Duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có tình huống; kiểm tra thống kê kịp thời thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tuyên truyền các biện pháp ứng phó với mưa lũ xảy ra bất thường nhất là vào ban đêm để bảo tính mạng và tài sản của nhân dân.
Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh Phú Thọ cho biết, các huyện, thành thị đã chỉ đạo các xã huy động lực lượng tổ chức đóng mở kịp thời các cống dưới đê, huy động mọi biện pháp để tiêu thoát nước nội đồng, tiêu úng cho hoa màu, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.
Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ đã tổ chức bơm tiêu úng kịp thời, bảo vệ sản xuất.
Hiện các địa phương đang nhanh chóng thống kê thiệt hại để có biện pháp khắc phục và hỗ trợ người dân; đồng thời khuyến cáo người dân chủ động phòng chống mưa đá, lốc xoáy, thực hiện các biện pháp chống đỡ cho nhà, chuồng trại… nhằm tránh những thiệt hại do mưa dông gây ra.