Phú Thọ –Người đàn ông 37 tuổi, nhập viện trong tình trạng đau chướng bụng, đau ngực, lơ mơ, khó thở, tím tái, nói nhảm sau khi uống rượu.
Trước đó, anh dự đám cưới có uống rượu mít ngâm, không nhớ số lượng, về nhà uống thêm một lon nước tăng lực. Đến tối, anh bắt đầu có các dấu hiệu bất thường, nhập viện cấp cứu.
Ngày 10/11, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cho biết bệnh nhân bị sốc phản vệ, ngộ độc rượu methanol, phải lọc máu. Bệnh nhân may mắn nhập viện sớm, chưa suy gan, thận, sức khỏe phục hồi nhanh.
Tình trạng ngộ độc rượu được bác sĩ cảnh báo nhiều lần. Ngày 9/11, hai trong số 5 bệnh nhân ngộ độc nặng trong vụ uống rượu trong đám tang ở Kiên Giang đã không qua khỏi. 9 trường hợp khác nhẹ hơn đang điều trị ở tuyến huyện.
Hai tuần trước, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang tiếp nhận một ca ngộ độc rượu tương tự, tử vong sau đó.
Tháng 8, hai sinh viên tử vong, 6 người nhập viện sau cuộc nhậu tại TP HCM.
Bác sĩ khuyến cáo, methanol là cồn công nghiệp có độc tính rất cao. Methanol dung nạp trong cơ thể được chuyển hóa thành formaldehyde và formic acid, gây toan chuyển hóa máu (tăng acid máu), tổn thương đa cơ quan như não bộ, mắt, dây thần kinh thị giác, gan, thận… Người ngộ độc methanol có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, ý thức lơ mơ, mù hoặc mù vĩnh viễn, hôn mê sâu, suy đa tạng (suy thận, suy gan…), thậm chí tử vong.
Những người gầy yếu, suy dinh dưỡng, phụ nữ, người mắc bệnh tim mạch, thận, bệnh về hô hấp… không nên sử dụng rượu bia. Nếu buộc phải uống, nên uống ít nhất có thể và nên uống sau khi ăn. Sau khi nhậu, nếu vẫn tỉnh và nhận biết được, cần ăn uống thêm thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn, uống sữa, nước hoa quả có đường, nước canh, cháo loãng… để có năng lượng.
Không tự ý ngâm rượu khi không biết rõ thành phần. Trường hợp không may ngộ độc, người nhà cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để xử trí, loại bỏ chất độc ra khỏi đường tiêu hóa, tránh hậu quả đáng tiếc.
Minh An