Bắt đất cằn “nở hoa” với trang trại tổng hợp
Anh Lê Mạnh Cường (SN 1983) là một trong những gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu trên địa bàn huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Anh Cường vốn sinh ra và lớn lên ở Ba Vì (Hà Nội) nhưng lại chọn quê hương Đất Tổ làm nơi lập nghiệp. Cũng từ nơi đây, chàng kỹ sư xây dựng đã biến vùng đất đồi cằn cỗi đầy sim, bạch đàn trở thành trang trại tổng hợp.
Anh Cường chia sẻ, năm 2016, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, anh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua đất, thuê máy móc, nhân công cải tạo gần 19ha diện tích đất đồi thành mô hình trang trại. Không chỉ trồng cây ăn quả, làm nhà lưới trồng hoa, trồng rau an toàn, anh Cường còn xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn khép kín với quy mô hiện nay lên tới 600 nái.
Ngoài ra, anh Cường còn nhận thầu hơn 13ha đầm trũng nuôi thả cá, trồng sen để lấy ngắn nuôi dài, nâng cao thu nhập.
Theo anh Cường, trong quá trình khởi nghiệp, anh cũng gặp vô vàn khó khăn.
“Đỉnh điểm năm 2017, khi giá vật tư đầu vào ngày một tăng, mà sản phẩm nông nghiệp làm ra lại rất khó tiêu thụ. Khó quên nhất chính là thời điểm giá lợn hơi giảm sâu, trong khi đàn nuôi với số lượng lợn lớn, lượng tiêu thụ thức ăn trong một ngày càng tốn kém. Nhưng nếu xuất chuồng lúc này, giá rất thấp, sẽ lỗ nặng,” anh Cường kể.
Bởi vậy, anh Cường quyết tâm cầm cự đàn lợn, không bán tháo vốn. Trong lúc khó khăn nhất, anh tìm hiểu và đặt mua một chiếc máy chế biến cám cho lợn theo công thức từng loại. Nhờ đó, anh có thể duy trì đàn lợn, vượt qua khó khăn.
Từ năm 2018 đến nay, trang trại tổng hợp của anh Cường đã đi vào hoạt động ổn định. Mỗi năm, trang trại cung cấp ra thị trường khoảng 16.000 con lợn giống, 15 tấn cá, hàng chục tấn rau, quả sạch…, doanh thu bình quân đạt 40 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, anh Cường còn nuôi 2.000 con ba ba gai để tận dụng phế phẩm tuần hoàn. Sau khi trừ chi phí, anh Cường thu lãi khoảng 3 tỷ đồng/năm từ nuôi ba ba.
Với khối lượng công việc lớn của trang trại, anh Cường đã tạo công ăn việc làm cho 40 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ với mức lương bình quân từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.
Nhiệt tình với các phong trào thi đua của Hội Nông dân
Anh Cường nhận thức rằng, việc kiểm soát bệnh tật cho cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp rất quan trọng. Đặc biệt, việc ứng dụng, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất không chỉ giúp giải phóng sức lao động, tiết kiệm nhân công, mà còn giúp theo dõi, quản lý quy trình sản xuất hiệu quả.
Bên cạnh đó, để sản phẩm của trang trại có chỗ đứng trên thị trường, tiêu thụ ổn định, anh còn tích cực quảng bá sản phẩm bằng các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội, tham gia hội chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm trong huyện, tỉnh, vùng.
Không chỉ giỏi làm kinh tế, anh Cường còn nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua do Hội Nông dân các cấp phát động như: Nông dân giỏi giúp nông dân nghèo; Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu bền vững…
Anh Cường cũng tích cực tham gia ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Vì người nghèo, giúp đỡ hội viên và con em hội viên nông dân trên địa bàn xã có hoàn cảnh khó khăn…
Từ thành công trong việc phát triển kinh tế của gia đình, anh Cường thường xuyên chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con trong vùng.
Mỗi năm, anh Cường lựa chọn 7-10 hộ khó khăn quanh vùng để giúp đỡ bằng cách bán con giống cho bà con nông dân nhưng thu tiền trả chậm, hoặc để bà con bán thành phẩm, tái đàn rồi thu tiền giống.
Nhờ sự chia sẻ, giúp đỡ của anh Cường, nhiều bà con đã vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống ngày một tốt hơn.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Cường cho biết, anh muốn đầu tư vào du lịch nông nghiệp, muốn đưa những hình ảnh đặc trưng của mảnh đất Phú Thọ đến với du khách trong và ngoài nước.