Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, tại bản vùng cao Đề Ngữ, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ), anh Nguyễn Văn Chung, sinh năm 1984 đã nỗ lực vượt khó, sáng tạo, tìm cho mình hướng đi riêng trong phát triển kinh tế.
Nhiều đoàn viên thanh niên, cán bộ, nông dân trong vùng tới tham quan mô hình nuôi dúi của anh Chung, bàn Đề Ngữ, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Mô hình nuôi dúi của anh hiện đang mở ra nhiều triển vọng, thôi thúc cho thanh niên ở địa phương vươn lên khởi nghiệp.
Tận dụng 2,1ha diện tích đất của gia đình, anh Chung lựa chọn chăn nuôi gà song nhận thấy kém hiệu quả, anh trăn trở và tìm kiếm sự thay đổi để cuộc sống khấm khá hơn. Sẵn có niềm yêu thích đặc biệt với con dúi, anh Chung đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về con vật này.
Năm 2018, với số vốn tích lũy và vay mượn được, anh bắt đầu nuôi và quyết tâm thực hiện mô hình nuôi dúi đã ấp ủ từ lâu. Từ 80 triệu đồng, anh xây chuồng trại và mua 50 cặp dúi giống 3 tháng tuổi từ tỉnh Sơn La về nuôi.
Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên dúi bị chết nhiều, không chán nản, anh đã tự mình đi đến những mô hình đã thành công tại các tỉnh như: Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên để học hỏi và trang bị kiến thức nuôi dúi.
Anh Chung cho biết: Dúi thuộc loại động vật hoang dã nên kỹ thuật nuôi cần thận trọng hơn các loại động vật khác. Bắt buộc phải nắm chắc tập tính, thói quen của nó thì mới phát triển được. Dúi ưa bóng tối, hạn chế ánh sáng trực tiếp và tiếng ồn, ngủ ngày, ăn về đêm.
Ưu điểm lớn nhất là dúi không cần uống nước nên lượng chất thải thấp, do đó dễ chăm sóc, ít bệnh. Thức ăn ưa thích của nó là cây tre, dòng họ cây tre, thức ăn bổ sung như là mía, ngô, sắn, chít, cỏ voi để cấp nước. Nuôi dúi không khó nhưng phải đặc biệt chú ý đến nhiệt độ, nhiệt độ phù hợp nhất từ 25 đến 28 độ C.
Mô hình nuôi dúi của anh Chung. Thức ăn của dúi là những thứ dễ tìm như tre, nứa, cỏ voi…
Để tránh bi sốc nhiệt, phải áp dụng các biện pháp để làm mát chuồng nuôi. Mỗi năm dúi mẹ sinh sản 4 lứa, mỗi lứa từ 2 đến 3 con, sau 3 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng từ 4 đến 5 lạng/con.
Nhận thấy nuôi dúi khá ổn định, năm 2020, anh Chung tiếp tục đầu tư 200 triệu đồng mua thêm 150 cặp dúi về nhân giống. Đến nay, mô hình của anh chăn nuôi lên đến 300 cặp dúi, gồm cả dúi sinh sản và dúi thương phẩm.
Được xem là đặc sản của vùng núi, thịt dúi thơm, ngon, mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cao nên việc tiêu thụ dúi rất thuận lợi. Theo giá thị trường, dúi thương phẩm nuôi khoảng 10 tháng đạt 1,5 đến 2kg, giá thành khoảng 500-700.000 đồng/kg; dúi giống bán giá khoảng 1,5- 2 triệu đồng/cặp.
Nhưng hiện tại anh chưa xuất bán, mục đích anh Chung nuôi đến khi nhân giống đủ 500 cặp mới bắt đầu bán ra thị trường. Vì dúi là động vật hoang dã, nên anh Chung cũng đã làm thủ tục để đăng ký nuôi. Hiện tại, mô hình này của anh thu hút 03 lao động là đoàn viên thanh niên cùng tham gia. Phấn đấu hết năm 2022, mô hình này sẽ có 700 mẹ sinh sản.
Anh Đinh Tiến Thuật, Bí thư Đoàn xã Yên Sơn cho biết: “Mô hình nuôi dúi của anh Chung trước mắt cho thấy khá phù hợp với địa bàn Yên Sơn. Mô hình đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho phong trào phát triển kinh tế của thanh niên địa phương. Thời gian qua, với sự chia sẻ kinh nghiệm nhiệt tình của anh Chung, một số thanh niên trong xã đã tiếp cận, đến học hỏi mô hình nuôi dúi. Chúng tôi mong muốn, mô hình này sẽ được nhân rộng, để người dân địa phương, đặc biệt tạo cơ hội để đoàn viên thanh niên có thể phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống”.
Những bước đi đầu tiên từ mô hình nuôi dúi khá mới này của anh Chung thêm một lần nữa khẳng định, thanh niên nông thôn hoàn toàn có thể lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương. Tin tưởng rằng, những hoài bão, ước mơ và cả những nỗ lực của anh Chung sẽ sớm thành công và trở thành điểm sáng cho tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ huyện nhà.