Trước câu hỏi của luật sư, ông Vĩnh từ chối trả lời với lý do liên quan bí mật ngành công an, có lúc ông sử dụng quyền im lặng.
Sáng 20/11, TAND tỉnh Phú Thọ – tiếp tục phần thẩm vấn cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh với việc các luật sư đặt câu hỏi.
Cựu tổng cục trưởng sử dụng quyền im lặng
Luật sư Hoàng Văn Hùng (bào chữa cho cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa) hỏi ông Vĩnh: Hôm qua ông nói Bộ Công an chưa có quy trình, thủ tục nào hướng dẫn lập công ty bình phong, song Bộ đã có những đơn vị lập công ty nghiệp vụ. Trước khi ký quyết định công nhận CNC là công ty bình phong, ông có chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hóa (cục trưởng C50) nghiên cứu về việc thành lập này ở các đơn vị khác?
Ông Vĩnh đáp: “Vấn đề này liên quan đến cơ quan nghiệp vụ khác, tôi không muốn chọc sâu vì liên quan bí mật nên xin không trả lời”.
Khi bị hỏi trước khi ký có “thế lực nào đe dọa không?”, cựu tổng cục trưởng Vĩnh khai: “Cá nhân cũng như lực lượng cảnh sát thì không có lực lượng nào hay thế lực nào ép chúng tôi ký”.
Luật sư Lê Hồng Khanh đặt vấn đề: Lý do gì bị cáo chọn Nguyễn Văn Dương để lập công ty bình phong cho C50 mà không phải người khác? Ông Vĩnh nói có bút phê của một thứ trưởng chỉ đạo lập công ty nghiệp vụ phải đúng pháp luật và sau đó chính thứ trưởng giới thiệu Dương với ông.
“Có văn bản nào của nhà nước hay của Bộ Công an quy định công ty bình phong phải có vốn góp của nhà nước hay của Bộ Công an không?”, luật sư Nguyễn Thị Tuyển thẩm vấn. Không trả lời, ông Vĩnh xin được sử dụng quyền im lặng.
‘Tôi có lỗi mới ngồi đây’
Về vai trò chỉ đạo với C50, luật sư Hoàng Văn Hùng hỏi: Ông định hướng, chủ trương hay nắm tay chỉ việc? Ông Vĩnh nói đây là đi sâu nội bộ Bộ Công an lẽ ra cũng từ chối nhưng vì xét thấy chưa đến mức cần bảo mật nên trình bày sơ bộ. Theo đó với tư cách Tổng cục trưởng, ông chỉ chỉ đạo trên định hướng, đây không phải vụ án cụ thể mà cần dắt tay chỉ việc.
Ông Vĩnh nói quản lý 16 cục, chỉ đạo nghiệp vụ với 63 tỉnh thành. C50 so với Tổng cục chỉ là bộ phận rất nhỏ nên ông cũng không có đủ quỹ thời gian để thường xuyên trao đổi. Trước nhiều câu hỏi, ông Vĩnh nói đã trả lời chiều qua đề nghị luật sư theo dõi sát vì thời gian không nhiều để dành cho việc khác. Chủ tọa sau đó cũng lưu ý luật sư về những câu đã hỏi.
Do ông Vĩnh từ chối nói về những danh hiệu, lý lịch trước tòa, luật sư bào chữa của ông đã nêu ra cùng với thông tin về tình trạng sức khỏe thời gian qua. Tuy nhiên, ông Vĩnh chỉ xác nhận và nhắc lại đã lưu hồ sơ vụ án.
Trả lời câu hỏi “thấy có lỗi gì không” của luật sư Nguyễn Minh Tâm, ông nói “có lỗi mới phải ngồi đây phục vụ luật sư”.
“Vào thời điểm đó, với tư cách người đứng đầu Tổng cục Cảnh sát, ông đánh giá thế nào về quản lý nhà nước về game trực tuyến?”, luật sư Phan Trung Hoài nêu câu hỏi. Ông Vĩnh nói quản lý lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm, quản lý trật tự xã hội, tất cả làm cho dân bình yên hơn. Những lĩnh vực khác thuộc trách nhiệm cơ quan khác.
“Khi CNC thành lập thì yếu tố nghiệp vụ hay kinh tế là cốt lõi?”, luật sư Phan Trung Hoài hỏi tiếp. Ông Vĩnh cho hay, trong cuộc chiến đấu phòng chống tội phạm, việc chung tay chung sức của các lực lượng gửi đến Bộ Công an thì Bộ rất trân trọng. Đây là một trong những đóng góp tự nguyện. Trong quyết định công nhận CNC là công ty nghiệp vụ ghi rõ trách nhiệm của C50, CNC. Người chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng về quyết định này là Cục trưởng C50 và Chủ tịch CNC. Riêng cá nhân, ông Vĩnh đánh giá chất lượng dựa trên hoạt động nghiệp vụ.
Sau gần hai tiếng trả lời thẩm vấn lúc ngồi, lúc đứng ông Vĩnh ho khan thành tràng, giọng khản. Tay run run, ông cầm cốc nước trước mặt lên uống.
Vì sao ông Vĩnh cho CNC thuê trụ sở của Tổng cục Cảnh sát?
Trở lại thẩm vấn ông Vĩnh, HĐXX hỏi: Từ biên bản ghi nhớ 10/10/2011, CNC đã là công ty bình phong chưa? Cựu tổng cục trưởng Vĩnh nói từ thời điểm 10/10/2011 ông đã có bút phê theo ý kiến của thứ trưởng và sau đó cục trưởng Hóa thông báo đã ký hợp tác với CNC.
“Vậy bị cáo đã thừa nhận CNC tại thời điểm 2011 là công ty nghiệp vụ? Nó đã đảm bảo yếu tố có vốn và có con người để điều hành chưa? Nếu chưa là công ty bình phong, có quy định nào dùng tài sản công cho doanh nghiệp thuê không?”, công tố viên hỏi dồn. Ông Vĩnh nói đứng về mặt pháp lý “trách nhiệm thuộc Cục trưởng C50”.
“Tại sao CNC thuê trụ sở số 10 Hồ Giám khi chưa là công ty nghiệp vụ?”. Ông Vĩnh trình bày hôm qua đã giải thích số 10 Hồ Giám là căn hộ nằm liền kề với khu hộ dân nên cho thuê cũng là hợp lý để CNC làm bình phong.
“Vậy ông đánh giá thế nào về hiệu quả công ty bình phong so với hậu quả CNC gây ra cho vụ án hôm nay?”, công tố viên hỏi. Giọng chậm lại, ông Vĩnh khai: Khi bị cáo ký đồng ý thì CNC chưa phải là tổ chức đánh bạc. Thời điểm đó cho tới nay mọi nặng nề, so sánh đều không đầy đủ. Nhưng bị cáo đã kiểm điểm hậu quả ngay từ đầu hôm qua khi trả lời thẩm vấn. Điều đó không những cho bị cáo mà còn những người còn lẩn trốn, cho hàng triệu gia đình không biết lâm hoàn cảnh thế nào khi vụ án xảy ra.
Trả lời câu hỏi thấy “có lỗi trực tiếp hay gián tiếp” với tới tư cách Thủ trưởng cơ quan điều tra trong vụ án này, ông Vĩnh khai: “Với thân phận tôi là bị cáo, việc đánh giá chứng cứ, tội danh thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra, VKS nhưng rất mừng là quý viện đã cho tôi trình bày có đúng không”.
Dáng đứng thẳng, hơi cười, ông nói: “Với tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tôi thừa nhận đúng rồi. Tôi chỉ kính mong HĐXX soi xét từng chứng cứ khoa học để định tội danh, lượng hình phù hợp với bản thân”.
Cho rằng ngay lời khai của ông Vĩnh bất nhất, lúc thừa nhận lỗi trực tiếp, có khi lại nói gián tiếp. “Bị cáo có rút lại lời nói của mình khi nhận tội vào chiều hôm qua không?”. Ông Vĩnh khẳng định lời khai trong hai ngày qua không có gì bất nhất. Mỗi vấn đề đều nằm trong bối cảnh cụ thể. “MongVKS soi xét thật thấu đáo. Đoạn nào tôi mắc lỗi lầm, đoạn nào không phải lỗi để tôi nhận hình phạt cho thỏa đáng”, ông Vĩnh nói chậm.
Không giao Cục Hình sự điều tra CNC
Trước câu hỏi của VKS, vì sao trong hơn một năm CNC vận hành đường dây đánh bạc đến khi nhận được văn bản của Thứ trưởng Lê Quý Vương thì bị cáo mới biết?
Ông Vĩnh nói toàn bộ các báo cáo của C50 đều khẳng định không có thông tin nào nói CNC là tổ chức đánh bạc mà đều đánh giá tốt về công ty này nên không phát hiện cho tới khi có văn bản của Thứ trưởng Vương.
“Trong các cục thuộc Tổng cục Cảnh sát thì cục nào chuyên trách đấu tranh phòng chống tội phạm về đánh bạc?”, công tố viên hỏi tiếp. Ông Vĩnh trình bày: Phân công cụ thể trực tiếp là C50 nhưng cục này lại không phải cơ quan điều tra.
“Vậy tại sao không chuyển sang sang Cục Cảnh sát hình sự (C45) là cơ quan có chức năng điều tra để xử lý vấn đề tại CNC mà lại là C50?”, với câu hỏi này của VKS, ông Vĩnh không trả lời ngay mà vặn lại: “Nếu Thứ trưởng xác định C50 có chống lưng cho tổ chức đánh bạc CNC sao vẫn gửi công văn cho ông Hóa?”. Vì thế, theo ông Vĩnh, văn bản của Thứ trưởng chỉ là thông tin của cấp trên yêu cầu với cấp dưới chứ không phải tin báo tố giác tội phạm.
Sau chừng ba tiếng trả lời thẩm vấn, ông Vĩnh rời khu vực xét xử đi vào phòng y tế để cán bộ y tế chăm sóc.
Bảo Hà – Phạm Dự