Những năm gần đây, xã Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng ngày càng chú trọng phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Việc duy trì và phát triển các ngành nghề đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân trong vùng, nổi bật trong đó có làng nghề Chế biến lâm sản Trại Hái.
Xưởng xẻ gỗ nhà ông Phạm Trọng Thành cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho gần chục lao động tại địa phương.
Từ lâu thôn Trại Hái đã nổi tiếng với nghề chế biến lâm sản, nhiều hộ có truyền thống làm nghề theo hình thức cha truyền con nối. Đặc biệt năm 2016, Trại Hái được công nhận làng nghề đã tạo động lực để các hộ dân tích cực tham gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, toàn xã có 50 hộ tham gia làng nghề, sản phẩm chủ yếu là làm mộc, chế biến nguyên liệu giấy, gỗ phục vụ xây dựng… với thị trường tiêu thụ trong nước như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh…và xuất khẩu sang Trung Quốc. Làng nghề nằm cạnh đường quốc lộ đã tạo thuận lợi cho giao thông, buôn bán vận chuyển, các hộ sản xuất đều được các thương lái, các đầu mối tìm đến thu mua nên hầu như không có hàng tồn.
Mặc dù trong cơ chế thị trường lúc thăng, lúc trầm nhưng các hộ vẫn “mặn mà” với nghề. Để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nhiều hộ làm nghề đã đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, nhờ đó đã tạo việc làm cho hơn 200 lao động trong xã và một số xã lân cận với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng, cao nhất khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của làng nghề đạt 14 tỷ năm 2017.
Nhờ tham gia vào sản xuất tại làng nghề, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, mở rộng sản xuất, thành lập doanh nghiệp. Tiêu biểu như gia đình ông Huỳnh Phi Long, ông Đinh Công Định… Ban đầu các hộ này chỉ có 1 xưởng xẻ, về sau nhận thấy chế biến gỗ có khả năng phát triển đã mạnh dạn vay mượn đầu tư để mở rộng xưởng sản xuất lên 2 đến 4 xưởng xẻ, tạo việc làm thường xuyên cho 8- 10 lao động, sau khi trừ các khoản chi phí, thu về trên 100 triệu đồng/năm. Các hộ dân trong vùng luôn hỗ trợ nhau những khó khăn về kỹ thuật sản xuất, nguồn vốn. Ông Phạm Trọng Thành, khu 1 chia sẻ: “Sản xuất lâm sản là nghề đem lại thu nhập chính cho gia đình tôi và các hộ dân trong làng. Địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục pháp lý kinh doanh, mở rộng diện tích sản xuất nên làng nghề hoạt động rất tốt”.
Mặc dù vài năm trở lại đây, làng nghề chế biến lâm sản Trại Hái khá phát triển, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế nông thôn của địa phương, giảm tỷ lệ hộ nghèo đáng kể, tuy nhiên sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch tập trung, đa số các xưởng đều xây dựng và hoạt động tại chính đất nhà ở đã mang đến những bất lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như đảm bảo an toàn trong lao động. Ngoài ra, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Tiêu Sơn đang rất nỗ lực tập trung để hoàn thành tiêu chí môi trường và đảm bảo vệ sinh môi trường tại làng nghề là điều quan trọng.
Bà Bùi Chí Thêm – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Xã luôn khuyến khích các hộ dân mở rộng quy mô, tuy nhiên cũng mong muốn xây dựng vùng quy hoạch riêng để sản suất kinh doanh, đồng thời cũng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động và chủ sử dụng lao động trong làng nghề để họ tuân thủ các quy định về an toàn lao động, vệ sinh môi trường, tự bảo vệ sức khỏe của mình”.
Phát triển kinh tế làng nghề phải gắn liền với an toàn lao động và đảm bảo vệ sinh môi trường, không gây ô nhiễm, tạo cho môi trường cảnh quan làng nghề sạch đẹp, cải thiện đời sống sinh hoạt của người lao động như vậy mới mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế – xã hội góp phần để xã Tiêu Sơn nhanh chóng về đích nông thôn mới trong thời gian sớm nhất.
Nguồn: baophutho.vn