Sau quãng thời gian gia tăng tốt về số lượng sản phẩm OCOP, hiện tại tỉnh Phú Thọ đang tập trung nâng cao chất lượng, hướng tới xuất khẩu.
Đến nay, Phú Thọ có 142 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Trong đó, 47 sản phẩm đạt 4 sao và 95 sản phẩm 3 sao.
Điều đáng nói, trong các sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao, có tới hàng chục sản phẩm ở các xã thuộc các huyện miền núi, vùng khó khăn…
Yên Lập là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Phú Thọ. Trong năm 2022, huyện có thêm 5 sản phẩm OCOP gồm: Đông trùng hạ thảo khô, rượu Thảo Xuân, mật ong Phúc An, mật ong hoa hồng, nếp Gà Gáy Mỹ Lung. Trong đó, sản phẩm nếp Gà Gáy Mỹ Lung đã được nâng từ hạng 3 sao lên 4 sao.
Giai đoạn 2021 – 2025, huyện Yên Lập tiếp tục đăng ký có 19 sản phẩm đạt OCOP.
Để có đột phá trong phát triển sản phẩm OCOP, nhiều nông dân, HTX đã mạnh dạn trồng cây giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến.
Ông Khúc Ngọc Tung, Giám đốc HTX sản xuất gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung và kinh doanh dịch vụ tổng hợp cho hay: “Năm 2022, HTX đưa mô hình sản xuất gạo nếp Gà Gáy hữu cơ vào thực hiện và đã cho sản phẩm với chất lượng thơm ngon hơn, dẻo hơn.
Năm 2023, HTX xây dựng kế hoạch, thu mua khoảng 100 tấn lúa của bà con nhằm cung cấp ra thị trường từ 60-70 tấn gạo. Đồng thời thực hiện nghiêm khâu sản xuất hữu cơ để đem đến sản phẩm chất lượng tốt nhất tới thị trường…”
Ông Hoàng Văn Cường, Trưởng phòng NNPTN huyện Yên Lập nhấn mạnh, thực hiện chương trình OCOP, huyện tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP từ đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương. Huyện đã hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh để phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với chuỗi giá trị góp phần mở ra nhiều cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp – nông thôn theo hướng bền vững.
Ông Vũ Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, thực tế, nhiều địa phương ở Phú Thọ đã chú trọng tới sản xuất hàng hóa, kết nối tiêu thụ bằng nhiều giải pháp khác nhau nhằm củng cố, nâng cao chất lượng, nâng hạng sao của sản phẩm OCOP đã được công nhận.
Bên cạnh đó, tăng cường phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, tiềm năng của tiểu vùng như: Dịch vụ, du lịch; thu hút đầu tư, khuyến khích các chủ thể chế biến sâu các sản phẩm, nhất là các sản phẩm từ chè, cây ăn quả để tiêu thụ mạnh trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, nâng cao giá trị của sản phẩm…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó chủ yếu là sản phẩm OCOP của các huyện miền núi chưa tạo thành hàng hóa tập trung; quy trình chăm sóc, thâm canh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh chưa đồng bộ; chất lượng mẫu mã một số sản phẩm chưa đồng đều.
“Để khắc phục những khó khăn, xây dựng được thị trường đầu ra bền vững cho sản phẩm OCOP, cần thực hiện giải pháp đồng bộ. Đối với các chủ thể, cần thay đổi tư duy sản xuất mùa vụ, chạy theo số lượng. Chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ để sản phẩm OCOP ngày càng được nhiều người biết đến, góp phần nâng cao thu nhập.
Các ngành chức năng cần làm tốt khâu dự báo, thông tin, quy hoạch, quản lý quy hoạch trong phát triển nông sản hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP. Có kế hoạch và chủ động huy động, lồng ghép nguồn lực, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương, hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể xây dựng, lập hồ sơ, phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP theo quy định. Đặc biệt, tìm kiếm, xúc tiến thương mại, phát triển đa dạng các kênh phân phối, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa, mang lại giá trị cao hơn” – ông Tuấn nói.